Trả lời: Định kiến giới có thể hiểu là sự nhận thức, thái độ hay sự đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí vai trò hay năng lực của phụ nữ hoặc nam giới. Ví dụ: Một số người cho rằng công việc nội trợ trong gia đình là trách nhiệm của người vợ, nếu người vợ nào không chu tất công việc này là một người vợ tồi, còn người chồng không cần thiết phải tham gia công việc nội trợ, và nếu anh chồng nào quá “chu toàn” công việc này thì bị coi là “ái”, hay thuộc dạng keo kiệt, bủn xỉn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”... Hoặc như tâm lý cho rằng phụ nữ không cần học hành cao mà nên lấy chồng sớm, việc học hành đỗ đạt “để làm quan” chỉ dành cho nam giới; hay quan niệm cho rằng phụ nữ cần nhẹ nhàng, dịu dàng trong khi nam giới thì cần mạnh mẽ, quyết đoán.
Định kiến giới hình thành từ những giá trị văn hóa, xã hội nên có tính bảo thủ rất cao. Nhiều định kiến giới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên rất khó thay thế, xóa bỏ, ví dụ như “nam ngoại, nữ nội”. Định kiến giới thông thường mang tính tiêu cực với phụ nữ, thể hiện rất nhiều ở việc rất nhiều định kiến giới phản ánh tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, kìm hãm năng lực và triệt tiêu các cơ hội của phụ nữ được tham gia, đóng góp vào các hoạt động và sự phát triển của gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, định kiến giới cũng tạo ra áp lực nặng nề cho nam giới thể hiện ở việc áp đặt cho nam giới trách nhiệm chính phải gánh vác vai trò sản xuất để nuôi sống gia đình hay phải có những tính cách mạnh mẽ, kiên cường, biết kìm chế cảm xúc trong mọi hoàn cảnh...
Định kiến giới có tính bảo thủ cao nhưng không có nghĩa là không sửa đổi hay xóa bỏ. Thực tế là có nhiều định kiến giới mang tính bất bình đẳng với phụ nữ từng tồn tại trong hàng ngàn năm trước đây ở nhiều xã hội nay đã không còn nữa. vấn đề là cần phải đấu tranh lâu dài, kiên trì và có sự tham gia chủ động, tích cực của cả phụ nữ và nam giới.
Phạm Văn A