Đáp: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo 6 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
- Khiển trách: Áp dụng đối với công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chậm thi hành án; chấp hành nhưng không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án trong thời gian tự nguyện thi hành án; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành án; từ chối làm việc hoặc không cung cấp, cung cấp nhưng không đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình kết quả thi hành án cho các cơ quan có thẩm quyền; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với người được thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
- Cảnh cáo: Áp dụng đối với công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Có hành vi chậm thi hành án; chấp hành nhưng không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án trong thời gian tự nguyện thi hành án; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành án và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét kỷ luật; sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi quy định tại hình thức kỷ luật hạ bậc lương; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng.
- Hạ bậc lương: Áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Có hành vi chậm thi hành án; chấp hành nhưng không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án trong thời gian tự nguyện thi hành án; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành án và gây hậu quả nghiêm trọng; sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả nghiêm trọng.
- Giáng chức: Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét kỷ luật; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Cách chức: Áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi quy định tại hình thức kỷ luật giáng chức.
- Buộc thôi việc: Áp dụng đối với công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị phạt tù mà không được hưởng án treo về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án.
Ngoài ra còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự và công khai thông tin về việc không chấp hành án.
Luật gia Ngô Văn Thương