Tác giả Kiều Mai Ly.
Tốt nghiệp Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình, tác giả Kiều Mai Ly đã xuất bản các ấn phẩm Giữa hai khoảng trống (thơ, NXB Thanh niên năm 2013); Độc đáo ẩm thực Chăm (nghiên cứu, NXB Văn hóa Văn nghệ 2014). Tác phẩm Giữa hai khoảng trống của Kiều Mai Ly được tặng thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đồng thời chị cũng được Tuần báo Văn nghệ tặng thưởng tác phẩm Câu chuyện cổ tích hiện đại về cô gái Chăm. Đến nay, chị tiếp tục trình làng ấn phẩm Palei Phước Nhơn của tôi. Tập sách gồm 3 phần viết về lịch sử của vùng đất Phước Nhơn, đời sống tôn giáo tín ngưỡng, làng nghề và nhân vật. Theo tác giả, làng Chăm Phước Nhơn được hình thành vào khoảng năm 1900 với tên gọi Pabblap Biruw. Đời sống người dân địa phương dựa vào nguồn thu nhập từ canh tác ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống kênh Bắc. Số đông người dân Phước Nhơn theo đạo Hồi được bản địa hóa gọi là Chăm Bàni. Hằng năm cứ đến mùa Ramưwan, dân làng tổ chức “ăn tết” thờ cúng tưởng nhớ công ơn ông bà, tổ tiên. Ramưwan được “khởi động” bằng lễ tảo mộ (nao ghur) ở các nghĩa trang. Sau đó, các gia đình mừng đón bà con thân tộc và khách quý đến thăm thưởng thức các loại bánh đặc trưng của đồng bào Chăm như pei nung, pei coh, xakaya, ginraung ya…
Điểm đáng lưu ý trong tập sách Palei Phước Nhơn của tôi, tác giả Kiều Mai Ly đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích, lý thú về phong tục của đồng bào Chăm Bàni. Thiếu nữ đến tuổi trưởng thành phải thực hiện nghi lễ cắt tóc (karơh). Các cô gái chưa qua lễ cắt tóc thì coi như chưa đủ điều kiện để sau này làm lễ thành hôn. Các vị chức sắc Bàni chủ trì lễ cắt tóc thiếu nữ theo hướng dẫn thủ tục của một người phụ nữ lớn tuổi gọi là muk buk. Vị chức sắc đặt vào miệng cô gái một hạt muối, rồi dùng kéo cắt một ít tóc, cho uống nước rồi quỳ lạy các vị Pô Imưm. Trong lễ karơh, các cô gái được nhận nhiều quà tặng của gia đình như vàng bạc, trâu bò làm vốn chuẩn bị cho hôn nhân về sau.
Tác giả Kiều Mai Ly đã dành số trang thích đáng giới thiệu nghề thu hái, chế biến thuốc Nam truyền thống, mẹ truyền con nối của làng Chăm Phước Nhơn. Các ông bà Thành Định, Thành Chát, Thành Hiệp, Thành Nhuần, Thị Hành… được xem là những người đặt nền móng cho nghề thuốc Nam. Con cháu từ tuổi nhỏ đã phụ việc cho ông bà, cha mẹ thu hái, chế biến thuốc Nam. Trước năm 1954, người dân đưa thuốc Nam từ Phước Nhơn qua bán ở các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, các thế hệ người dân làng Phước Nhơn vẫn giữ nghề thuốc Nam cho thu nhập ổn định giúp các gia đình xây dựng nhà ở khang trang, nuôi con ăn học thành đạt…
Palei Phước Nhơn của tôi là ấn phẩm sưu tầm, biên khảo của tác giả Kiều Mai Ly rất đáng được tìm đọc để hiểu biết về vùng đất, con người Pabblap Biruw xưa và nay.
Sơn Ngọc