Bệnh do virus Zika qua muỗi truyền bệnh cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc ở một số tỉnh phía nam.
Đặc biệt, hiện nay đang bắt đầu vào mùa mưa - đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH và Zika phát triển mạnh.
Nhận định tình hình này, Bộ Y tế đã có công văn thông báo đến các tỉnh, thành phố về việc phòng chống bệnh SXH và bệnh do virus Zika.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tích cực tham gia và vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt như: Dọn bỏ vật dụng phế thải, đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt…, đồng thời tổ chức chiến dịch huy động người dân tự diệt loăng quăng, bọ gậy.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân về các dấu hiệu bệnh để được điều trị kịp thời.
Các bệnh viện cần thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn, không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn quốc có khoảng 23.000 người mắc SXH, trong đó có 8 người tử vong. Đặc biệt, tuần cuối cùng của tháng 4 có gần 1.260 người mắc bệnh, tăng trên 13% so với tuần trước đó.
Khi có các dấu hiệu như: Sốt cao từ 2 ngày trở lên, đau người, đau đầu, có chấm xuất huyết dưới da hay chảy máu chân răng, chảy máu cam, ở phụ nữ có thể kỳ kinh bất thường… có thể nghĩ đến SXH. Khi đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn www.chinhphu.vn