Đột quỵ não thường để lại di chứng nặng nề
Đột quỵ não bao gồm ba thể chính, đó là chảy máu não, chảy máu dưới mạng nhện và thiếu máu não cục bộ hay còn gọi là nhồi máu não. Trong đó, nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao khoảng 85%. Trong số những bệnh nhân sống sót sau giai đoạn cấp của đột quỵ tỷ lệ chịu các di chứng về rối loạn vận động, cảm giác, ngôn ngữ và các rối loạn chức năng nhận thức như: suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, suy giảm các chức năng thực hiện các động tác trong sinh hoạt hàng ngày cũng như giao tiếp với cộng đồng cũng chiếm một tỷ lệ khá cao.
Phát hiện mới nâng cao cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân đột quỵ não
Suốt chiều dài lịch sử của các bệnh nhân bị chứng bệnh đột quỵ não nói chung và nhồi máu não nói riêng cho đến những năm cuối thế kỷ XX, quan niệm chăm sóc và điều trị đột quỵ não vẫn còn nhiều hạn chế.
Đột quỵ não thường để lại di chứng nặng nề (ảnh: KT)
Các thầy thuốc, thậm chí những người chuyên làm công tác khám và chữa cho bệnh nhân đột quỵ vẫn cho rằng, các tế bào thần kinh (neuron) một khi bị tổn thương sẽ không hồi phục và không có bất cứ tế bào nào khác có thể thay thế được. Đây chính là hạn chế của mọi phương pháp điều trị thiếu máu não cục bộ tức nhồi máu não.
Ngày nay, dưới ánh sáng mới của khoa học kỹ thuật tiến bộ áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, người ta đã hiểu sâu sắc hơn về cơ chế sinh bệnh học của các tổn thương não do đột quỵ, đặc biệt là khả năng tái cấu trúc lại hệ thần kinh bằng cách tái sinh lại cả đơn vị thần kinh- mạch máu (Neuro-Vascular Unit) trong não; bao gồm sự tái sinh các tế bào thần kinh, tân sinh mạch máu nuôi dưỡng tế bào thần kinh và tăng sinh tế bào thần kinh đệm để sửa chữa các sợi thần kinh đã bị tổn thương. Chính phát hiện này đưa đến khả năng điều trị đột quỵ nhồi máu não có tính hiện thực; nâng cao cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân.
Điều trị lâu dài cho bệnh nhân đột quỵ
Những năm gần đây, trong điều trị đột quỵ giai đoạn cấp, người ta áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật để làm tái thông các mạch máu não bị tắc bằng cách sử dụng thuốc làm tan huyết khối (như rTPA) hoặc lấy huyết khối bằng các biện pháp cơ học.
Tuy nhiên, “cánh cửa điều trị” của biện pháp tái thông mạch này khá hạn hẹp, chỉ hiệu quả trong 4,5 giờ đầu sau khi bệnh nhân bị nhồi máu não. Vì vậy, việc điều trị đối với các bệnh nhân mắc Đột quỵ nhồi máu não trong giai đoạn cấp vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ khoảng 5% các trường hợp được gọi là thành công trong những giờ đầu sau khi khởi phát các triệu chứng của đột quỵ. 95% các trường hợp còn lại nếu sống sót sau giai đoạn cấp có nguy cơ gánh chịu những di chứng nặng nề.
Do vậy, hàng loạt các loại thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh đã đuợc nghiên cứu để có thể dùng sau những giờ đầu bị đột quỵ và điều trị lâu dài cho tất cả các bệnh nhân. Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả, các loại thuốc này cần có tác động đa cơ chế vào “dòng thác sinh lý bệnh” của nhồi máu não bao gồm 4 khâu chính.
Đó là máu đến não giảm sẽ gây nhiễm toan và chết tế bào, khử màng cực tế bào làm mở các kênh canxi và hoạt hóa các men ly giải protein làm tăng chết tế bào và tổn thương nhu mô não, khử cực màng tế bào làm tăng giải phóng glutamate, hoạt hóa các thụ thể trung gian NMDA, AMPA làm canxi đổ vào nội bào nhiều hơn và gây chết tế bào não nhiều hơn, sinh ra các tế bào gốc tự do và góp phần làm tổn thương tế bào chết nhu mô não.
Thế nhưng, phần lớn các thuốc bảo vệ thần kinh thường chỉ đánh vào một hoặc hai khâu nhất định của “dòng thác bệnh lý”, cứu sống được tế bào não theo một cơ chế nhưng tế bào não vẫn chết do các cơ chế còn lại.
Nhiều thuốc bảo vệ thần kinh cho đến nay vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Đột quỵ nhồi máu não (kết quả thử nghiệm là âm tính hoặc là ở trạng thái trung tính). Chỉ có một số ít thuốc bảo vệ thần kinh tác động đa cơ chế vào “dòng thác bệnh lý” và đã có những bằng chứng y học hứa hẹn hơn, khả quan hơn về tính hiệu quả giúp kích thích quá trình tái sinh tế bào thần kinh và đẩy mạnh tiến trình sữa chữa thần kinh.
Vì vậy, hiện nay y học thế giới chú ý nhiều hơn vào giai đọan phục hồi sau giai đoạn cấp, kết hợp cả hai phương pháp: dược liệu pháp (dùng các thuốc dinh dưỡng thần kinh giúp đẩy mạnh tái cấu trúc não, kích thích tính mềm dẻo của thần kinh, hỗ trợ biệt hóa tế bào non thành tế bào chức năng – neuroplasticity) và phương pháp phục hồi chức năng (bao gồm vật lý trị liệu, liệu pháp phục hồi ngôn ngữ, vận động trị liệu…). Các liệu pháp này sẽ kích thích sửa chữa thần kinh (repairing) và giúp não học lại các chức năng đã mất (relearning).
Trong nhiều năm qua, khi điều trị cho nhiều loại bệnh gây tổn thương não như chấn thương sọ não hay đột quỵ nhồi máu não, các thầy thuốc trên thế giới và Việt Nam đã có kinh nghiệm sử dụng một loại thuốc không chỉ tác động đa cơ chế vào “dòng thác bệnh lý” giúp bảo vệ não trong giai đoạn cấp mà còn có tác dụng dinh dưỡng thần kinh trong giai đoạn phục hồi là Cerebrolysin.
Hợp chất đa mô thức này đã được chứng minh trên lâm sàng về hiệu quả kích thích quá trình phục hồi chức năng vận động và trí nhớ ở bệnh nhân đột quỵ não. Bên cạnh đó, tùy theo những di chứng mà bệnh nhân gánh chịu mà các thầy thuốc sẽ chỉ định thêm những loại thuốc bảo vệ thần kinh khác như Fluoxetin giúp điều trị trầm cảm sau đột quỵ hay Piracetam giúp cải thiện tình trạng thất ngôn…
Sự kết hợp chặt chẽ giữa việc sử dụng thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh và kích thích tính mềm dẻo thần kinh (neuroplasticity) với các phương pháp phục hồi chức năng thần kinh khác một cách hợp lý, cụ thể cho từng bệnh nhân đột quỵ sẽ mang lại kết quả tốt nhất, giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
Nguồn www.vov.vn