Tâm huyết vì sự phát triển quê hương

 ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRUNG HẬU
NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY, CÁN BỘ HƯU TRÍ PHƯỜNG KINH DINH (TP.PHAN RANG-THÁP CHÀM)

Cách đây 25 năm, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc ấy tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo hệ thống chính trị của tỉnh hoạt động ổn định. Do tỉnh nhà mới tái lập, bộ máy tổ chức chưa hoàn chỉnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, nên có cảm giác mọi việc còn rất bề bộn. Nhưng với quyết tâm cao, các cơ quan sở, ban, ngành đã vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao ngay trong năm đầu hoạt động của tỉnh. Cũng trong những năm ấy, tôi vẫn còn nhớ nhờ tích cực đề xuất, tỉnh ta được Chính phủ đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng như hồ Tân Giang, lưới điện quốc gia về các xã miền núi…

Ngày nay, tuy đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng nhìn lại quá trình 25 năm xây dựng và phát triển, tôi sung sướng và tự hào khi thấy Đảng bộ tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh. Thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, kinh tế-xã hội đang phát triển nhanh chóng, bộ mặt tỉnh nhà ngày càng đổi mới, khác xa thời kỳ những năm đầu khi tái lập tỉnh. Thông qua các kênh thông tin, tôi biết từ thành thị đến nông thôn tỉnh ta đều có nhiều công trình hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh phục vụ đời sống và sản xuất, đặc biệt thu ngân sách toàn tỉnh đã tăng mấy chục lần so với năm 1992.

Chia vui thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, tôi tin tưởng thế hệ lãnh đạo mới sẽ tận dụng điều kiện thuận lợi và tranh thủ cơ hội để tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển. Tôi mong rằng với chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, sẽ thu hút thêm nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh ta. Bên cạnh phát triển kinh tế, tôi đề nghị tỉnh cần quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, mà trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ có vậy, Đảng bộ mới huy động được sức mạnh của toàn dân trong tỉnh, lãnh đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, hướng tới xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

ĐỒNG CHÍ HOÀNG THỊ ÚT LAN
NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH, CHỦ TỊCH HỘI BẢO TRỢ BỆNH NHÂN NGHÈO TỈNH

Đã 25 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ bối cảnh tỉnh nhà vào tháng 4-1992. Hồi đó, các cơ quan làm việc đều chật hẹp, tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân sự chưa ổn định. Tuy khó khăn là vậy, nhưng mọi người đều nhiệt tình, tâm huyết thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, dù đang ở nhờ trong mấy căn phòng hẹp của Công ty Xây dựng thủy lợi nhưng vẫn dựng ăng-ten, kịp phát sóng buổi đầu tiên trong ngày 16-4. Từ buổi ban đầu ấy, các cơ quan, đơn vị dần xây dựng lớn mạnh, kinh tế-xã hội tỉnh ta từng bước phát triển và đến nay cho thấy một hình ảnh mới hoàn toàn. Bộ mặt tỉnh nhà từ nông thôn đến đô thị đều thay đổi lớn, đời sống người dân có cải thiện hơn. Với sự kế thừa năng động, thế hệ lãnh đạo mới của tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ triển khai từ giai đoạn trước. Hàng loạt công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đã tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển đời sống xã hội.

Trong niềm vui 25 năm tái lập tỉnh, tôi tin thế hệ lãnh đạo tỉnh hôm nay sẽ tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển hơn nữa, mà trước hết là phát triển kinh tế biển. Điều tôi tâm đắc nhất là việc hoàn thành tuyến đường ven biển và Công viên biển Bình Sơn đang mở ra cơ hội và tạo động lực cho phát triển du lịch. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả, rất mong tỉnh ta có chiến lược cụ thể, thu hút đầu tư mạnh vào các dịch vụ du lịch trên tuyến đường ven biển, đặc biệt là quan tâm đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí du lịch tại Công viên biển Bình Sơn.

ĐỒNG CHÍ VĂN CÔNG AN
NGUYÊN THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, CÁN BỘ HƯU TRÍ PHƯỜNG PHƯỚC MỸ (TP. PHAN RANG-THÁP CHÀM)

Đầu tháng 4-1992, Nhân dân vui mừng chào đón sự kiện tỉnh nhà được tái lập. Cái khó khăn về nơi ăn ở, làm việc đã rõ, các công sở thị xã phải nhường chỗ cho cơ quan tỉnh, gây khó khăn trong tổ chức hoạt động của tỉnh mới tái lập. Nhưng với khí thế mới, mọi người đều khắc phục, hăng hái làm việc. Trải qua 25 năm, thời gian chưa dài lắm, nhưng nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân, đã tạo ra diện mạo mới cho tỉnh nhà.

Từng là một cán bộ có thời gian dài kinh qua nhiều công tác của địa phương, tôi hiểu rất rõ những thay đổi về diện mạo của tỉnh nhà, đặc biệt là trong những năm gần đây. Có thể khẳng định những thiết chế phục vụ đời sống nhân dân đều được đầu tư đầy đủ. Cụ thể như về điện, ngày xưa ai cũng nghĩ đưa điện lên miền núi là chuyện xa vời nhưng nay là chuyện bình thường. Bây giờ đi về các vùng nông thôn, kể cả các xã miền núi xa xôi đều có thể nhìn thấy các công trình hạ tầng phục vụ Nhân dân như nước sinh hoạt, chợ, trạm y tế, trường học, đường bê-tông, kênh mương được kiên cố hóa, đó là chưa kể nhiều hồ đập thủy lợi đã và đang xây dựng. Sự phát triển giao thông nông thôn và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đang tác động tích cực đến xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa. Trong 25 năm qua, tỉnh nhà phát triển toàn diện cả về kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, quốc phòng-an ninh và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế mà tỉnh nhà cần khắc phục để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, đó là hãy quan tâm đầu tư mạnh hơn về khoa học-công nghệ, nâng cấp các nhà văn hóa cơ sở và xây dựng hệ thống nước sạch ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đối với Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, tôi mong muốn tỉnh sẽ lưu ý đến công tác quản lý đô thị, trật tự kỷ cương xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trật tự giao thông, trong đó điểm nhấn là chỉnh trang vỉa hè, cây xanh và tạo cho người dân có nếp sống văn minh đô thị.

Bà Thuận Thị Trào
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước)

Sau 25 năm tái lập tỉnh, không chỉ bản thân tôi mà người dân trong tỉnh ai cũng vui mừng, phấn khởi và tự hào bởi quê hương mình đã có nhiều thay đổi và phát triển hơn. Có được kết quả này, trước hết là nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân trong tỉnh. Cụ thể như khu phố Mỹ Nghiệp của chúng tôi, từ khi được tỉnh hỗ trợ kinh phí khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm; xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm thổ cẩm, thành lập Hợp tác xã, không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, mà đời sống bà con ngày càng được nâng cao...

Tôi tin rằng, trong chặng đường phát triển tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà sẽ lãnh đạo khai thác tốt mọi tiềm năng và lợi thế, đưa kinh tế-xã hội địa phương tiếp tục phát triển. Tôi cũng mong rằng, các cấp chính quyền sẽ tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, khẳng định vai trò, vị thế trong thời kỳ đổi mới.