Nhìn lại phong trào thi đua yêu nước qua 25 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận

(NTO) Sau ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục triển khai theo tinh thần Nghị định số 53-HĐBT ngày 25-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, do yêu cầu tập trung thực hiện nhiệm vụ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến qua các thời kỳ cách mạng nên phong trào thi đua chủ yếu là xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã.

Sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3-6-1998 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ III (năm 2000). Thực hiện Nghị định số 56 ngày 30-7-1998 của Chính phủ về thi đua thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước và nhiệm vụ công tác khác, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 1999-2000. Cùng với triển khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/1998), tạo dấu ấn mạnh mẽ khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong toàn xã hội; tổ chức tổng kết công tác khen thưởng thành tích kháng chiến giai đoạn 1984-1999 vào tháng 11-1999 và triển khai kế hoạch 1920/KH-UB tổng rà soát giải quyết tồn đọng công tác khen thưởng thành tích kháng chiến, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Kết quả, Ninh Thuận là một trong những tỉnh cơ bản hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến sớm nhất của miền Nam. Bên cạnh đó, việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tổ chức các phong trào thi đua trên toàn tỉnh, tạo khí thế tiến tới đại hội thi đua các cấp và chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội thi đua từ cơ sở đến tỉnh trong năm 2000 đã tạo động lực mạnh mẽ để phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh có bước phát triển rộng khắp.

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua cho các tập thể
có thành tích xuất sắc tiêu biểu, dẫn đầu các khối thi đua của tỉnh trong phong trào thi đua yêu nước năm 2016. Ảnh: V.M

Tiếp tục đổi mới đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị, Kết luận số 83-KL/TW ngày 30-8-2010 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành các Chỉ thị lãnh đạo tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; UBND tỉnh cụ thể hóa Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003, 2005, 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để ban hành Quy chế Thi đua, Khen thưởng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Qua đó, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện nhiệm vụ khó khăn, đột xuất, cấp bách. Phong trào thi đua yêu nước có sự lồng ghép chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua theo đợt gắn với thực hiện việc học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các cuộc vận động của Đảng, Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động. Thi đua đã trở thành việc làm hằng ngày của từng tập thể, cá nhân, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, xây dựng con người mới, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Công tác khen thưởng thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời, đúng luật. Khen thưởng gắn liền với kết quả thực hiện nhiệm vụ, chế độ nâng lương trước thời hạn, công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ đã thực sự tôn vinh và tạo động lực để mọi người hăng hái thi đua. Bên cạnh đó, việc chú trọng tăng nhanh tỷ lệ khen thưởng người trực tiếp công tác, lao động, học tập, chiến đấu, tập thể nhỏ, đối tượng nữ, vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, tạo động lực để thi đua trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình, những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước được biểu dương qua Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ III-năm 2000, lần thứ IV-năm 2005, lần thứ VI-năm 2010 và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII-năm 2015.

Bước vào giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị và tập trung hướng về cơ sở. Việc triển khai phong trào thi đua thường xuyên với nhiều phong trào thi đua chuyên đề nhất là thi đua Xây dựng nông thôn mới, Xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp, Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển… gắn với học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo ra phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc chủ động phát hiện khen thưởng các mô hình mới hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; khen thưởng gương “Người tốt, việc tốt”, gương tiêu biểu là công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; quan tâm khen thưởng vùng khó khăn, đồng bào dân tộc sẽ tạo động lực to lớn động viên toàn dân hăng hái tham gia xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng vững mạnh.

Qua 25 năm tái lập tỉnh, từ phong trào xây dựng Tổ, Đội xã hội chủ nghĩa, phong trào thi đua yêu nước có sự phát triển rộng khắp với nhiều phong trào thiết thực bám sát cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng người dân và được động đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia. Với những thành tích xuất sắc qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động viên to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận tiếp tục đổi mới đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).