Giải pháp chủ yếu phát triển ngành kinh tế động lực Ninh Thuận

LTS: PGS - TS. Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển) có bài viết: “Định hướng phát triển các ngành kinh tế động lực tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới”. Báo Ninh Thuận xin trích đăng bài viết nói trên.

Phương hướng phát triển

Trên cơ sở kế thừa những phân tích trong việc định những ngành/lĩnh vực kinh tế được tập trung ưu tiên phát triển đã nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; trên cơ sở tầm nhìn chiến lược, dài hạn và căn cứ tình hình thực tế, trong giai đoạn trước mắt, việc phát triển những ngành/lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh Ninh Thuận nên tập trung ưu tiên hơn cho các ngành nghề kinh tế biển, trong đó trục chính là du lịch và hải sản. Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, bất động sản, nông nghiệp-thực phẩm, làm muối, giao thông… sẽ hỗ trợ và dựa vào du lịch, trước hết là du lịch biển.

Căn cứ chính của ý tưởng này là, về phía cầu, ở trong nước, do mức độ gia tăng thu nhập chung của các tầng lớp dân cư đang tăng lên, đã bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2009 (1.160 USD), năm 2015 đạt 2.110 USD, năm 2016 đạt 2.200 USD; kèm theo đó là sự xuất hiện và gia tăng của “tầng lớp trung lưu” dẫn đến sự thay đổi về mức cầu và cơ cấu nhu cầu tiêu dùng trong xã hội. Xu hướng chung là, khi thu nhập tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu nhiều hơn về nhiều loại, trong đó có du lịch; đa dạng hơn với nhiều loại mới hơn, hấp dẫn hơn, an toàn hơn….; và sự phục vụ chất lượng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Những lĩnh vực kinh tế đi theo du lịch cũng tương tự như vậy, ví dụ, thực phẩm được cung cấp phải sạch, hấp dẫn, độc đáo…; đi lại an toàn, tiện lợi; chỗ ở tiện nghi, sạch sẽ… Đối với khách du lịch quốc tế, trong xu thế gia tăng chung của cả nước, Ninh Thuận đang dần trở thành một điểm đến được ưa chuộng, trong đó đáng kể nhất là khách từ Nga. Ví dụ như năm 2016, khách quốc tế đạt 55.000 người trên tổng số 1,7 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Thuận, tuy mới chỉ đạt hơn 1/3 kế hoạch, nhưng là mức tăng vượt bậc so với năm trước (37%).

 
Du khách tham quan vườn nho của nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ảnh: V.M

Về phía cung, các điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ hơn du lịch (biển) của Ninh Thuận về cơ bản đã sẵn sàng. Với bờ biển dài hơn 105 km, các bãi biển đẹp như Ninh Chữ-Bình Sơn, Cà Ná; nằm ở vùng giáp ranh giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ - Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên; TP Phan Rang cách sân bay Cam Ranh khoảng 60km, cách TP Hồ Chí Minh và sân bay Tân Sơn Nhất 340km, cách Nha Trang100 km theo đường Quốc lộ 1A, cách Đà Lạt 110 km theo đường Quốc lộ 27; có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam đi qua; có thể coi như một trong những địa phương khá đắc địa để phát triển du lịch biển. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 2 khu du lịch sinh thái gồm Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình. Nguồn khách du lịch nội địa trước hết là từ khu vực TP. Hồ Chí Minh với khoảng cách không quá xa, trong khi vùng du lịch biển Vũng Tàu quen thuộc, truyền thống đã gần như tới hạn. Sự khác biệt của vùng biển Ninh Thuận sẽ không tạo ra sự canh tranh mà ngược lại, còn bổ sung cho sự lựa chọn đa dạng của khách hàng cũng như sự kết hợp để tạo thành chuỗi du lịch biển với Nha Trang và Vũng Tàu cũng như kết hợp với Đà Lạt thành chuỗi du lịch biển – vùng núi hấp dẫn trong phạm vi tour du lịch phạm vi liên vùng. Các sản phẩm du lịch độc đáo đi kèm có thể là các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn: nho, táo, cừu, thanh long…; là các đồi cát trải dài ven biển; là các sản phẩm văn hóa đặc thù như các lễ hội văn hóa Chăm, các công trình văn hoá kiến trúc cổ Chămpa; là hệ thống các resorts đã có ở ven biển…

Ngành nghề kinh tế biển động lực tiếp theo là đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản. Vùng biển Ninh Thuận được xem là một trong 4 ngư trường lớn và giàu nguồn lợi nhất của cả nước; trên 500 loài hải sản có giá trị kinh tế cao, với trữ lượng hải sản 120 nghìn tấn, trong đó nhóm cá đáy 70-80 nghìn tấn, cá nổi 30-40 nghìn tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng 50-60 nghìn tấn/năm. Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển thủy hải sản theo Nghị định 67 và 89 của Chính phủ, các phương tiện đánh bắt (xa bờ) và nuôi trồng được cải thiện, nâng cấp nên sản lượng đánh bắt hải sản có xu hướng tăng. Năm 2015 đạt khoảng 76.270 tấn, tăng 8,4% so với năm trước và năm 2016 đạt khoảng 83.800 tấn, tăng 11% so với năm 2015.

Riêng đối với nông nghiệp, hướng điều chỉnh là khai thác tốt hơn các nông phẩm của vùng hạn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp độc đáo so với cả nước, vì gần như chỉ có Ninh Thuận là khu vực có đặc tính khí hậu khô hạn này, và gắn nông nghiệp với du lịch.

Với lĩnh vực năng lượng, do chủ trương mới không xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nên trọng tâm phát triển năng lượng sạch ở Ninh Thuận nên tập trung ưu tiên cho điện gió, một trong những nơi được xem là có tiềm năng lớn.

Những hướng điều chỉnh nêu trên vừa đảm bảo tính thực tiễn, sát hợp với tình hình thực tế, vừa làm cơ sở cho việc khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của tỉnh trong tầm nhìn dài hạn. Đó là xây dựng tỉnh Ninh Thuận mạnh về kinh tế biển, thực sự làm động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ nhanh; coi kinh tế biển và vùng ven biển là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ; kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển với phần đất liền để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.

Một số giải pháp trước mắt để phát triển trong giai đoạn tới

Trong tình hình hiện nay, việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, nhất là hướng theo các chỉ tiêu kinh tế – xã hội được ghi trong Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, thì nhất định cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp toàn diện và đồng bộ. Song, phù hợp với một vài điều chỉnh định hướng phát triển các ngành động lực nêu trên và xét trong điều kiện ngắn hạn trước mắt, cần ưu tiên hơn cho các giải pháp chính sau.

- Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh: Như trên đã nêu, những ngành/lĩnh vực kinh tế nào thực sự là động lực/mũi nhọn/chiến lược của tỉnh phải được đo bằng mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cả theo nghĩa lợi thế tương đối lẫn lợi thế so sánh, trong đó nhân tố quản trị của chính quyền tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Hiện tại, năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của Ninh Thuận nằm trong nhóm các tỉnh có mức xếp hạng khá, nhưng thứ bậc còn chưa cao trong số 63 tỉnh/thành của cả nước.

Nên chăng, trong những năm trước mắt, cần xem xét lại tất cả các hợp phần tạo nên CPI, ví dụ như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh…, để tìm ra các khâu cần và có thể cải thiện hơn nữa.

- Đẩy mạnh liên kết vùng: Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ (cả về quy mô dân số, diện tích, quy mô dân số và GDP/người) so với cả nước, vùng Duyên hải miền Trung và tiểu vùng cực Nam Trung Bộ (gồm 4 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà). Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế theo quy mô, Ninh Thuận cần đặc biệt lưu ý tới giải pháp liên kết vùng (cả nội vùng và ngoại vùng). Hơn nữa, cơ sở của việc thực hiện liên kết này đã ít nhiều hình thành: kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức liên kết nội vùng Duyên hải miền Trung, hoạt động liên kết thực tiễn của các doanh nghiệp...

- Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện, trọng tâm là phát triển du lịch biển, hải sản và năng lượng sạch. Khâu mấu chốt lúc này là tìm kiếm các đối tác đầu tư có tính chiến lược: mạnh về nguồn lực tài chính, có công nghệ hiện đại, có thị trường rộng lớn và ổn định… Tiến hành một cách có chọn lọc các chương trình xúc tiến đầu tư chuyên đề với các chính sách thu hút có sức hấp dẫn đã được chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng nhằm tìm được các nhà đầu tư chiến lược thích hợp.