Những cựu chiến binh Bộ đội đặc công Ninh Thuận và hồi ức ngày giải phóng

(NTO) Trải qua hơn 40 năm, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Binh chủng Đặc công (19/3/1967-19/3/2017) và 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Đặc công Ninh Thuận (18/9/1952-18/9/2017), những cựu chiến binh (CCB) Bộ đội Đặc công Ninh Thuận mới lại có dịp gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm về những năm tháng cùng nhau chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày gặp mặt người còn, người mất nên giây phút đoàn viên của các cựu binh quá đỗi xúc động, bùi ngùi.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Đặc công 311 năm xưa, nay là Chủ tịch Hội CCB tỉnh kiêm Trưởng ban Liên lạc CCB Bộ đội Đặc công Ninh Thuận bộc bạch: Lực lượng Đặc công chiến đấu trên chiến trường Ninh Thuận lúc bấy giờ cũng hùng hậu lắm. Ban đầu là 12 chiến sĩ do đồng chí Trịnh Cửu làm Đội trưởng; đầu năm 1965 phát triển lên 30 chiến sĩ, chia thành 2 đội: Đội 401 Biệt động do đồng chí Nguyễn Văn Trung làm Đội trưởng và Đội 402 Đặc công do đồng chí Phùng Hưng làm Đội trưởng. Tháng 4-1966, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Đại đội Đặc công của tỉnh lấy phiên hiệu là C311, do đồng chí Phùng Hưng làm Đại đội trưởng; đồng thời chỉ đạo Thị ủy Phan Rang thành lập Đội Biệt động 314 do các chiến sĩ C311 tăng cường. Đến năm 1968, chiến trường Khu 6 ngày càng ác liệt hơn, Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Đặc công đã tăng cường cho chiến trường Ninh Thuận 2 Đội Đặc công H13 và H14 và thêm 20 chiến sĩ đặc công từ miền Bắc chi viện vào; tổng quân số lúc bấy giờ gần 200 chiến sĩ đặc công-biệt động. Anh em người Bắc, người Nam nhưng khi biên chế về Ninh Thuận chiến đấu, “vào sinh ra tử” có nhau nên quý nhau như thể anh em ruột thịt. Đến hôm nay trong dịp đặc biệt ý nghĩa này, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết!.

Ảnh: Tư liệu

Chứng kiến khoảnh khắc những người lính đặc công năm xưa nhận ra nhau sau mấy mươi năm trời “bặt tin” mới thấy tình đồng chí, đồng đội “vào sinh ra tử” có nhau trân quý biết bao!. Trong những cái ôm, những cái bắt tay thắm thiết ấy có một cặp “bạn chiến đấu” cùng ở Tiểu đoàn Đặc công Biệt động 314, tự nhận mình may mắn hơn nhiều đồng đội vì vẫn còn sống và trở về trong “ngày vui Đại thắng” của dân tộc. Đó là bác Đặng Văn Nhu ở Phước Sơn (Ninh Phước) và bác Trần Hữu Trung (Tp. Phan Thiết, Bình Thuận). Bác Trung không giấu được xúc động chia sẻ: Nhận được thư của Ban liên lạc là tôi đếm từng ngày để được gặp lại các anh, các chị ngoài này. Tin tức từ bấy tới nay chỉ qua điện đàm chứ có dịp nào để gặp trực tiếp nhau đâu. Nghe nói anh Nhu bị đau ốm vì tuổi già, tôi cũng nóng bụng lắm. Hồi đó đơn vị tới mấy chục chiến sĩ mà đến ngày giải phóng chỉ còn 2 chúng tôi. Đồng đội hy sinh hết cả rồi, có người còn chưa tìm thấy hài cốt!

Thấy ai nấy đều xúc động nghẹn lời khi nhắc tới những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, chúng tôi chuyển câu chuyện sang hướng khác. Đó là về những ngày bộ đội ta phối hợp nhiều lực lượng xuyên thủng phòng tuyến “lá chắn thép” Phan Rang. Giọng hào sảng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa kể: Sau thất bại trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung, quân ngụy quyết tâm dựng tuyến phòng thủ Phan Rang hòng chặn đứng bước tiến của quân ta, giữ vững thế phòng ngự từ xa, bảo vệ đầu não ngụy quyền Sài Gòn. Địch bố trí quân đông như rạ, lập thành nhiều tuyến, nhiều quân đoàn chi viện chực chờ. Đầu tháng 4-1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, giải phóng quê hương. Thời điểm đó, tôi được Tỉnh đội giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội Đặc công 311 và 314, hoạt động bí mật trong lòng thị xã Phan Rang, phối hợp với quân chủ lực Sư Đoàn 3 Sao Vàng, cùng bộ đội địa phương tấn công quân địch nhằm “xé toạc” “lá chắn thép” Phan Rang. Nhớ nhất là vào sáng ngày 16-4, Đại đội Đặc công 311 chúng tôi nhận lệnh của cấp trên phối hợp với Sư  Đoàn 3 đánh chiếm tiểu khu Ninh Thuận. Quân ta chia làm 3 mũi chính: Mũi đầu tiên có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang thì tiến lên sân bay Thành Sơn. Mũi thứ hai từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn. Mũi thứ ba đánh chiếm cảng Ninh Chử, không cho địch tháo chạy ra biển. Bị quân đội ta tấn công 3 mặt, phòng tuyến Phan Rang trước nguy cơ bị đập tan, ngụy quân hoang mang tìm mọi cách thoát thân. Quá trình mật vụ, Thượng sĩ Trần Ngọc Điền thuộc Đại đội Đặc công 311 phát hiện Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và một số sĩ quan ngụy trà trộn thành dân thường nhằm bỏ trốn ra Cà Đú, tìm cách thoát thân theo đường biển. Nhận được tin mật báo và dò tìm ra nơi ẩn náu của tướng ngụy, Đại đội được lệnh mai phục ở khu vực Cà Đú, đến tối thì bắt gọn 2 tướng ngụy cùng nhiều sĩ quan cao cấp, bàn giao cho Sư Đoàn 3 xử lý. Lúc bấy giờ binh lính ngụy rệu rã, chống trả yếu ớt; quân ta đã làm chủ nhiều cơ quan trọng yếu của thị xã. Thừa thắng, bộ đội chủ lực và các cánh quân phối hợp đánh chiếm sân bay Thành Sơn, giải phóng thị xã Phan Rang, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Câu chuyện về ngày giải phóng khép lại cũng đúng lúc buổi họp mặt đến phần trao Kỷ niệm chương Bộ đội Đặc công cho những CCB Đặc công Ninh Thuận qua các thời kỳ. Các cựu binh ở nhiều độ tuổi khác nhau; có người sức khỏe không còn đảm bảo cho việc đi lại; có người ở tận Đắk Lắk, Đà Nẵng xa xôi nhưng tất cả đều chung một khí chất của Bộ đội Cụ Hồ giàu lòng yêu nước, đã cống hiến tuổi xuân, một phần xương máu, cơ thể mình cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Các cựu binh đặc công đón nhận kỷ niệm chương do Bộ Tư lệnh Đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng với niềm xúc động xen lẫn tự hào bởi chính họ là những người viết nên truyền thống vẻ vang của Bộ đội đặc công-biệt động Ninh Thuận mưu lược, quả cảm; những con người trưởng thành trong cách mạng, là một phần sống động của bản khải hoàn ca ngày non sông thu về một mối.