Ngành nông nghiệp tận dụng mọi cơ hội đẩy mạnh sản xuất, giữ tăng trưởng

Do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 vừa qua nên GDP quý III/2024 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,58%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước và chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020 - 2024. Điều này làm GDP 9 tháng năm 2024 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng chỉ tăng 3,2%.

 Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, dù bị thiệt hại rất lớn, song với kết quả đạt được từ đầu năm đến nay, các chỉ tiêu của ngành đạt được khá “yên tâm”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, ngành nông nghiệp sẽ sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho bà con.

Thu hoạch lúa ở Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tất cả các lĩnh vực, ngành hàng đều phải có phương án phục hồi sản xuất sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất, với sự quyết liệt cao nhất để duy trì đà tăng trưởng.

“Nếu khôi phục nhanh với đối tượng nuôi thời gian phù hợp, ngành nông nghiệp sẽ có tăng trưởng từ 3,2 - 4% của năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chia sẻ, từ kinh nghiệm phục hồi sản xuất mưa lũ năm 2020 ở miền Trung cho thấy cần chọn đối tượng nuôi để cho sản phẩm nhanh, cùng với huy động các nguồn lực hỗ trợ, các chính sách của Chính phủ sẽ nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng.

Người chăn nuôi lợn tại xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) vệ sinh, khử trùng chuồng trại để tái đàn sau bão lũ. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Từ thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, chuồng trại, chuẩn bị cây con giống để để sớm đi vào sản xuất trở lại.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động trên 200 tỷ đồng hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất bằng cây con giống, phân bón, thuốc thú y, chất xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi… Bộ đã chỉ đạo các đơn vị vận chuyển ngay đến các địa phương, kết hợp với quy trình hướng dẫn để nông dân có nguồn vốn và phục hồi sản xuất hiệu quả. Với tinh thần, những sản phẩm có thể sản xuất ngay cùng với thời vụ thì phải được đẩy mạnh.

Là lĩnh vực chiếm tỷ trọng quan trọng trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi nếu không duy trì tốt tốc độ tăng trưởng thì sẽ khó đạt được mức tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Bởi vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung vào 3 mũi nhọn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng.

 Đó là tập trung cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã có thị trường xuất khẩu thì cần đẩy mạnh hơn nữa và đặc biệt quan tâm thị trường Halal. Để đảm bảo hiệu quả cho sản xuất, duy trì tốt quy mô, tốc độ tăng đàn vật nuôi trong nước thì ngành sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và địa phương để chống buôn lậu lợn ở phía Nam, gia cầm ở phía Bắc. Cùng với đó là rà soát lại nhập khẩu.

Chế biến chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Sơn, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các quốc gia đều muốn xuất khẩu nhưng Việt Nam nhập khẩu cũng phải có tiêu chí, tiêu chuẩn. Các tiêu chí đó sẽ phải gắn với Luật Thú y, quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH). Việt Nam sẵn sàng mở cửa nếu các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng đủ điều kiện.

Không chỉ với sản phẩm chăn nuôi, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ quan tâm kiểm soát chặt về nhập khẩu thủy sản. Việc kiểm soát này vừa thúc đẩy thương mại, vừa đảm bảo sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Riêng về phục hồi sản xuất, chăn nuôi sẽ tập trung vào các sản phẩm như: gà công nghiệp chỉ khoảng 40 ngày cho sản phẩm; gà lông màu chỉ 3 tháng; vịt, ngan chỉ hơn 40 ngày… Đây là căn cứ để ngành nông nghiệp lựa chọn sản phẩm phục hồi sớm, bù đắp phần nào thiệt hại và bà con sớm có thu nhập. Cùng với đó, để bù đắp thiệt hại, cũng như đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm, những địa phương chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An… được chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Bảy, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) bổ sung thêm các loại thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho đàn bò sữa. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Với thủy sản, 9 tháng, tổng sản lượng đạt trên 7 triệu tấn, tăng 2,4%; trong đó, thủy sản nuôi trồng đạt trên 4 triệu tấn, tăng 3,7%, nhất là cá tra và tôm tăng trưởng mạnh. Để đảm bảo sản lượng chế biến cho xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các tỉnh phía Nam đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mang đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi giá trị; phát triển tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Riêng với các địa phương vừa bị thiệt hại do bão số 3, ngành đã hướng dẫn địa phương lựa chọn những đối tượng nuôi sớm đem lại thu nhập, tạo sinh kế nhanh cho bà con như các loại rong biển, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết.

Với trồng trọt, việc tập trung vào đẩy mạnh sản xuất vụ Đông 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng ngành trồng trọt, tạo thu nhập cho người dân, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán của các tỉnh phía Bắc.

Thu hoạch rau xanh ở HTX nông nghiệp Châu Pha, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, vụ Đông 2024, các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt diện tích khoảng 420.000 ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Vụ này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường giữa các loại rau màu ngắn ngày và cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tùy từng điều kiện, linh hoạt chọn loại cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, địa phương cần mở rộng tối đa diện tích cây trồng còn thời vụ nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm “nước rút, có đất trống đến đâu gieo trồng đến đó”.

Bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế, địa phương điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa ấm còn thời vụ. Phát triển nhóm cây vụ Đông ưa lạnh có lợi thế, có khả năng bảo quản dài và có thị trường tiêu thụ tốt, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Theo baotintuc.vn