Liên kết hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế

Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình giao thông, tăng cường kết nối các địa phương trong tỉnh cũng như các tuyến liên vùng.

Với quyết tâm kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống người dân, năm 2024 tỉnh tập trung triển khai 4 dự án giao thông trọng điểm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, bao gồm dự án đường nối từ cao tốc Bắc- Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná; dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải và dự án đường vành đai phía Bắc tỉnh Ninh Thuận (đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1); dự án thành phần 2 đoạn nối từ xã Ma Nới (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Đường vành đai phía Bắc tỉnh Ninh Thuận, đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1 (Thuận Bắc) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Anh Tuấn

Một trong những công trình động lực quan trọng được tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 đó là dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná. Sau khi điều chỉnh, dự án này có tổng chiều dài nâng lên 23km với tổng mức đầu tư khoảng 689 tỷ đồng. Trong số đó, dự án thành phần 1 đoạn nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 có chiều dài khoảng 10,14km, đến nay tổng giá trị hoàn thành ước tính đạt 85% giá trị hợp đồng, các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành công trình vào đầu năm 2025. Riêng dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 12,86km, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện dự án và dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2025.

Để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) đang phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị cùng với các nhà thầu nghiên cứu, đưa ra các biện pháp, tổ chức thi công phù hợp, cụ thể cho từng dự án để vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện; tổ chức các buổi làm việc, giao ban để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, vật tư thi công; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng, khối lượng công trình thi công tuân thủ theo đúng thiết kế kỹ thuật.

Tuyến đường từ xã Ma Nới (Ninh Sơn) đến ngã tư Tà Năng (Lâm Đồng) đang thi công. Ảnh: CTV

Nhằm kết nối thông tuyến với dự án thành phần 1, đoạn từ Tân Sơn đi Ma Mới đã hoàn thành, dự án thành phần 2, đường nối từ xã Ma Nới đến ngã tư Tà Năng có tổng chiều dài 41km, có tổng mức đầu tư dự án trên 1.095 tỷ đồng cũng đang được các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây là dự án với đoạn qua huyện Ninh Sơn dài 23,9km và đoạn qua huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) dài 17,1km có nhiều đoạn băng rừng, vượt suối. Dự án khi hoàn thành kỳ vọng sẽ tạo thế liên hoàn, kết nối giao thương liên vùng khu vực Nam Tây Nguyên đến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và cảng biển nước sâu Cà Ná. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, thời tiết không thuận lợi, địa hình đồi dốc, vực sâu nhưng đến nay, các đơn vị, địa phương đã giải phóng mặt bằng khoảng 20,3km và triển khai thi công đạt tổng giá trị khối lượng trên 70% tổng giá trị hợp đồng. Đối với địa bàn tỉnh Lâm Đồng, phạm vi có mặt bằng thi công được khoảng 16,5km, tổng giá trị hoàn thành ước đạt 90% đối với các đoạn đã có mặt bằng, còn lại khoảng 0,4km do nhận bàn giao mặt bằng muộn nên hiện đang gấp rút thi công để sớm thông tuyến theo kế hoạch.

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Hiện nay, việc tận thu lâm sản trên tuyến thuộc các gói thầu số 23, 24 đang được gấp rút triển khai. Hiện chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các đơn vị thi công hỗ trợ đơn vị khai thác tận thu lâm sản tập trung nhân lực, máy móc khai thác cắt, hạ cây đưa ra tập kết tại các bãi để sớm có mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, triển khai phương án thi công cụ thể, chi tiết từng đoạn đã có mặt bằng để làm cơ sở đẩy nhanh giải ngân vốn giao. Dự án phấn đấu sẽ thông tuyến vào ngày 30/4/2025 và toàn bộ các hạng mục công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

Đối với dự án đường vành đai phía Bắc tỉnh Ninh Thuận (đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1) có chiều dài 10,42km, tổng vốn đầu tư hơn 487 tỷ đồng, được phân chia thành hai gói thầu thi công đến nay tổng giá trị hoàn thành đạt khoảng 85% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành công trình trong năm nay. Dự án hoàn thành sẽ kết nối Quốc lộ 1 (đoạn thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, Thuận Bắc) vào trục ven biển qua huyện Ninh Hải đi Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thuận lợi cho phát triển du lịch.

 

Hạ tầng đường Văn Lâm-Sơn Hải nối Quốc lộ 1 với đường ven biển đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh đưa vào hoạt động góp phần tạo động lực cho huyện Thuận Nam phát triển. Ảnh: Văn Nỷ 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đối với dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải nối Quốc lộ 1 với đường ven biển đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1570+270, điểm cuối giao với đường ven biển tại ngã tư Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) có chiều dài hơn 13km, tổng mức đầu tư hơn 372 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, kết nối thuận lợi với khu vực du lịch biển, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Các dự án giao thông trọng điểm trên sau khi đưa vào khai thác sẽ là động lực thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa, hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn, tạo động lực lớn cho các địa phương tăng tốc phát triển. Đồng thời, giúp cho việc thu hút đầu tư, tăng liên kết giao thương giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh được thuận lợi, an toàn và hiệu quả.