Tin tổng hợp

* Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết được Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên về ý nghĩa, tầm quan trọng về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng nhanh, bền vững. Kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá; tăng trưởng bình quân ước tăng 13,3%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả tỉnh (9,29%); quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 1,66 lần so năm 2020; tỷ trọng đóng góp của Vùng trong GRDP của tỉnh đạt 22,53%; GRDP bình quân đầu người đạt 106,2 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần cả tỉnh.

Năng lượng tái tạo điện gió và mặt trời đầu tư tại Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chiếm trên 40% tổng số công suất vận hành của toàn tỉnh; Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từng bước giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu là Trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư; thu hút đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường được đẩy mạnh; các dự án trọng điểm, động lực được đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kêu gọi đầu tư, từ đó hình thành các Khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch theo dãi ven biển, Khu đô thị, các dự án năng lượng, … thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện, đời sống Nhân dân ngày được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung của Tỉnh.

* Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 10/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm ngày càng được nâng lên; nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, đã tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực được ban hành và triển khai thực hiện; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp được hình thành và vận hành khá tốt; các mô hình “đào tạo kép”, “đào tạo tại doanh nghiệp”, “đào tạo có địa chỉ” phát huy hiệu quả đào tạo.

Các học viên trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành môn điện tử. Ảnh: Văn Nỷ

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2023 đạt 66,8%, tăng 5,1% so năm 2021 (mục tiêu đến năm 2025 là 70%); Lao động có trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm đến cuối năm 2023 đạt 20,8% tăng 3,5% so năm 2021 (mục tiêu đến năm 2025 là trên 22%); Cơ cấu lao động trình độ cao trong ngành: Năng lượng chiếm 17,5%, tăng 0,5% so năm 2021 (mục tiêu đến năm 2025 là 18%); Du lịch đẳng cấp cao chiếm 33,4% tăng 8,9% so năm 2021 (mục tiêu là 30,7%); Nông nghiệp đặc thù chiếm 14,2% tăng 1,4% so năm 2021 (mục tiêu là 14%); Kinh tế đô thị chiếm 22,8% tăng 2,4% so năm 2021 (mục tiêu là 25%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các ngành, các cấp quan tâm; cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục, đào tạo nghề được tiếp tục đầu tư nâng cấp; quy mô giáo dục được duy trì và chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng, các cơ sở đào tạo, dạy nghề trọng điểm của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển; xã hội hoá trong dạy nghề có chuyển biến, quy mô và chất lượng đào tạo nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cả ngắn hạn, trung hạn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được củng cố và tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả tích cực. xã hội hóa giáo dục được tăng cường, mở rộng các loại hình liên kết đào tạo ngành du lịch, năng lượng, y tế, giáo dục…đã thu hút học viên, sinh viên theo học, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao nguồn nhân lực của xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.