Kinh tế biển Ninh Thuận: 25 năm xây dựng và phát triển

Đồng chí Phạm Đồng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

(NTO) Ninh Thuận là tỉnh ven biển có đặc thù riêng so cả nước, với bờ biển dài hơn 105 km và vùng lãnh hải 18 nghìn km2, là trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, cùng với thời tiết khí hậu nắng ấm quanh năm, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Ngay từ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII – Đại hội đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh đã nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển, đến các kỳ Đại hội sau đó đều xác định phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh. Đến Đại hội XIII (nhiệm kỳ 201– 2020), tư duy mới về phát triển kinh tế biển được nâng lên và khẳng định: Kinh tế biển là động lực, mà trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, phát triển du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy đã ban hành kịp thời nhiều Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo triển khai và UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển của Đảng bằng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hàng năm để tổ chức thực hiện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng.

Sau 25 năm tái lập, cùng với sự phát triển chung của Tỉnh, kinh tế biển đã có những chuyển biến quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng khá, tăng bình quân 13,1%/năm; tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP của tỉnh không ngừng tăng lên, năm 2015 đạt 25,2%; kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cầng nghề cá, hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư ngày một hoàn thiện, đã hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài 105,8 km, góp phần hoàn thành một bước cơ bản về hạ tầng giao thông vùng biển, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, góp phần phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vùng biển trong tình hình mới. Tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển được nhận diện và đánh giá đúng mức, nhất là tiềm năng lợi thế mới về năng lượng tái tạo, du lịch biển được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Một số dự án du lịch biển có quy mô lớn hoàn thành đi vào hoạt động; sản xuất giống thủy sản, sản xuất muối tiếp tục phát triển, đã góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế biển. Sự phát triển của các ngành kinh tế biển đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo diện mạo mới, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Kết quả cụ thể:

 
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.

1. Về thủy hải sản: Cơ cấu nội bộ ngành thủy sản chuyển dịch tích cực, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế về sản xuất giống, nuôi trồng theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn; hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, từng bước hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.

- Về khai thác: Phát huy được nội lực nghề cá nhân dân, tăng cường năng lực khai thác hải sản gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng biển, năng lực tàu thuyền tăng mạnh cả về số lượng và quy mô công suất. Nếu như năm 1992 chỉ có 1.022 chiếc/15.900 CV, bình quân 15,5 CV/chiếc, trong đó tàu có công suất lớn nhất là 74 CV. Đến nay, toàn tỉnh có 2.611 chiếc/300.465 CV, bình quân 115 CV/chiếc, tăng gấp 7,4 lần. Đáng nói là những năm gần đây nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển khơi, đến nay đã có hàng chục tàu thuyền có công suất trên 700 CV, có tàu trên 950 CV, ngư trường đánh bắt được mở rộng sang phía Đông Trường Sa; sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh, từ 12.650 tấn năm 1992 lên 83.800 tấn năm 2016, tăng gấp 6,6 lần, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

- Về nuôi trồng thủy hải sản: Kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy hải sản được quan tâm đầu tư; diện tích nuôi trồng liên tục tăng từ 422 ha năm 1992 lên 1.067 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản từ 633 tấn năm 1992 tăng lên 8.120 tấn năm 2016, tăng 12,8 lần, trong đó sản lượng tôm thịt đạt 5.785 tấn, chiếm 71,2% tổng sản lượng thủy sản, tăng 9,1 lần so với năm 1992.

Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống quy mô lớn đạt kết quả tích cực. Nếu như năm 1992, chỉ có một số cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, sản lượng 100 triệu con giống/năm, đến năm 2016 đã có trên 350 cơ sở doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động, sản lượng năm 2016 đạt 21,9 tỷ con giống, tăng gấp 219 lần so với năm 1992. Hàng năm cung ứng 20-25% sản lượng sản xuất của cả nước và tiếp tục giữ vững vị trí là trung tâm giống lớn nhất của cả nước.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng bến cá khi mới tái lập tỉnh hầu như chưa có gì, luồng lạch, cửa biển thường xuyên bị bồi lấp, rất khó khăn cho tàu thuyền đi lại, neo đậu, nhất là trong mùa mưa bão. Trong bối cảnh đó, Tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng cá, bến cá. Năm 1994, đã khởi công xây dựng cảng cá đầu tiên của tỉnh – cảng cá Đông Hải, có cầu tàu dài 265m, với tổng vốn đầu tư 36,4 tỷ đồng, đến năm 1996 đầu tư cảng cá Cà Ná, cầu tàu dài 200 m, vốn đầu tư 22,11 tỷ đồng, đến năm 1999 tiếp tục đầu tư cảng cá Ninh Chữ dài 120m với tổng vốn đầu tư 44,26 tỷ đồng và đến năm 2001 đầu tư bến cá Mỹ Tân/8,1 tỷ đồng. Đến nay các cảng cá, bến cá đã phát huy hiệu quả tích cực, có khả năng tiếp nhận khoảng 3.200 tàu cá các loại, đáp ứng tốt nhu cầu neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm của tàu thuyền trong và ngoài tỉnh; hàng năm có hơn 21 nghìn lượt tàu thuyền cập cảng và trên 21 nghìn tấn hàng hóa qua cảng.

Dịch vụ hầu cần nghề cá từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ đánh bắt, tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh, hiện có 172 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các cảng cá (Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ), gồm: 13 cửa hàng xăng dầu, 9 cơ sở sản xuất đá lạnh, 40 cơ sở cơ khí sửa chữa tàu thuyền, 46 cơ sở thu mua hải sản, 30 cơ sở chế biến hải sản, 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ cung cấp thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu khác và 5 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 3 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu có công suất từ 400CV trở lên và 2 cơ sở đóng tàu từ 90 trở lên đến 400CV, Nhờ đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động khu vực ven biển.

2. Về du lịch biển: Với lợi thế bờ biển dài, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp và các hệ sinh thái biển phong phú và đa dạng, du lịch biển Ninh Thuận đã có bước phát triển đáng kể. Năm 2016 đã thu hút trên 1,7 triệu lượt khách, tăng gấp 45,6 lần so năm 1995, tốc độ tăng bình quân 19,9%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 55 nghìn lượt khách, tăng 17,2 lần so với năm 1995.

Cùng với sự tăng nhanh về du khách, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch biển cũng không ngừng tăng lên. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 108 cơ sở lưu trú, với tổng số 2.250 phòng; công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2016, có 37 dự án du lịch được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 9.943 tỷ đồng, đã có 17 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 2.753,6 tỷ đồng, chiếm 46% tổng số dự án, trong đó có một số dự án quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn 3-5 sao đã hoàn thành đi vào hoạt động, nổi lên là dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa (Amanơi) tiêu chuẩn 5 sao, được các Tạp chí danh giá bầu chọn là 1 trong 10 Resort Biển đẹp nhất thế giới, đã góp phần tạo thương hiệu cho du lịch biển Ninh Thuận, đồng thời một số dự án du lịch biển quy mô lớn khác đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển nhanh ngành du lịch của tỉnh trong những năm tới.

3. Về công nghiệp biển và ven biển:

- Công nghiệp biển có chuyển biến tích cực, chủ trương phát triển công nghiệp chế biến làm động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu, nhất là thu hút các thành phần kinh tế tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển công nghiệp, như: công nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất chế biến muối, rong sụn, xi măng, đá granite, titan... Tính đến cuối năm 2016, có 51 dự án công nghiệp biển được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 23.824,2 tỷ đồng, có 27 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.791 tỷ đồng, chiếm 53% tổng số dự án, trong đó một số dự án có quy mô lớn, như: Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm, dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ quy mô 2.510 ha, sản lượng 500 ngàn tấn/năm, dự án sản xuất chế biến muối cao cấp và muối iốt qui mô 200 ngàn tấn/năm và dự án Nhà máy chế biến rong sụn công suất 3.000 tấn/năm. Tổng sản lượng hải sản chế biến xuất khẩu năm 2016 đạt 7.141 tấn, tăng gấp 10,3 lần so năm 1992; giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2016 đạt 3.214 tỷ đồng, tăng 23,3 lần so năm 1992, trong đó công nghiệp biển chiếm 53,2% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, những năm gần đây năng lượng tái tạo khu vực ven biển được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có nhiều dự án điện gió được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đang khảo sát nhiều dự án điện mặt trời.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế biển chưa trở thành động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, quy mô phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng cảng biển và hoạt động logictics; giá trị sản xuất công nghiệp ven biển và năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu phát triển chậm; quy mô công suất tàu khai thác còn hạn chế; lợi thế về du lịch biển chưa được khai thác hiệu quả. Văn hóa - xã hội vùng biển còn một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết, nhất là về môi trường khu vực dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản; công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch vùng ven biển còn bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Để kịp thời triển khai lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh, ngày 26/10/2016 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu: “Tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020, Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao, là trung tâm năng lượng sạch, là khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biển và ven biển”. Trong đó, tập trung 03 nhóm ngành kinh tế biển trọng điểm cần ưu tiên đầu tư, tạo sự phát triển bứt phá, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, đó là:

Phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản

Tổ chức lại nghề khai thác hải sản, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67, 89 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác; khuyến khích đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, phấn đấu đến năm 2020, tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc/380.000 CV, bình quân 131 CV/chiếc; tiếp tục mở rộng ngư trường sang phía Đông Quần đảo Trường Sa, vùng biển Kiên Giang và mở rộng ngành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương.

Củng cố và phát triển các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, trọng tâm là đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá Mỹ Tân, Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná thành các trung tâm thương mại nghề cá, khu tránh trú bão của tỉnh và khu vực miền Trung. Xúc tiến kêu gọi đầu tư cảng biển quốc tế Cà Ná; nâng cấp cảng cá Ninh Chữ thành khu cảng tổng hợp; hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics, tạo tiền đề phát triển mạnh công nghiệp ven biển.

Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung An Hải, Sơn Hải, Nhơn Hải theo quy hoạch, tạo nguồn nguyên liệu chủ lực cho công nghiệp chế biến. Khai thác và bảo vệ hiệu quả tính đa dạng sinh học đối với các đối tượng nuôi vùng Đầm Nại để vừa khai thác bền vững, vừa phát triển du lịch và đô thị ven biển theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18-20 nghìn tấn; sản lượng tôm post trên 36 tỷ con. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 46 - 47% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch biển

Tập trung huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển, để sớm hình thành các khu du lịch có đẳng cấp, tạo động lực phát triển nhanh ngành du lịch biển của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, cấp điện, cấp nước. Tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư có uy tín tham gia các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, từng bước hình thành các trung tâm du lịch ven biển đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Chú trọng đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, tạo điểm nhấn riêng biệt, có khả năng cạnh tranh để thu hút du khách trong và ngoài nước như: du lịch văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống và ẩm thực vùng biển; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe từ nguyên liệu đặc thù của địa phương; du lịch gắn với các môn thể thao lướt sóng, thuyền buồm, đua mô tô trên cát… Phấn đấu đến năm 2020, thu hút trên 2,4 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10-11%.

Phát triển công nghiệp biển, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển

Tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, gắn với đầu tư xây dựng cảng biển quốc tế Cà Ná, cảng hàng hóa Ninh Chữ, cụm công nghiệp Tri Hải, nhằm hình thành các trung tâm công nghiệp ven biển của tỉnh. Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp sản xuất muối và sản phẩm sau muối, công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và cung cấp các dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản,… đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Tiếp tục phát huy năng lực sản xuất các sản phẩm chủ lực hiện có, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ phát triển các làng nghề chế biến thủy sản; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ các cơ sở sản xuất, chế biến hiện có tại các làng nghề ven biển Cà Ná, Đông Hải, Khánh Hải, Mỹ Tân…, chú trọng xây dựng thương hiệu các làng nghề.

Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp biển và ven biển chiếm 73-75% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp; công suất điện gió, điện mặt trời đạt khoảng 220 MW.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, là trung tâm năng lượng sạch và là một trọng điểm du lịch quốc gia, trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước, cần tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong những chủ trương, giải pháp lớn, có ý nghĩa quan trọng và quyết định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII.