Lấy sự hài lòng người dân, doanh nghiệp làm thước đo!

(NTO) Năm nay, tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, với mục tiêu cơ bản là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Cán bộ UBND xã Phước Thuận (Ninh Phước) tiếp công dân tại bộ phận một cửa. Ảnh V.M

Để hiện thực hóa mục tiêu đã nêu, một trong những yêu cầu trọng tâm là cùng với việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước đối với công tác CCHC, đồng thời phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy HC, tăng cường lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp nhất là trong việc đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của CB, CC, VC, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước…Với tinh thần đó, ngày 13-2-2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 356/KH-UBND về “Khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tổ chức đối với dịch vụ hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh”, với mục đích nhằm giúp UBND tỉnh nắm bắt kịp thời chất lượng cung cấp dịch vụ HC công và thái độ, năng lực giải quyết TTHC của CB,CC,VC tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời thu thập ý kiến của người dân, doanh nghiệp và tổ chức để làm cơ sở định hướng các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ HC công tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng như nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp và tổ chức của đội ngũ CB,CC,VC. Về nội dung khảo sát, đó là chất lượng thực hiện dịch vụ HC công, thái độ phục vụ và hiệu quả việc thực hiện các TTHC của cán bộ công chức, viên chức theo 4 yếu tố: Tiếp cận dịch vụ, TTHC, sự phục vụ của công chức, kết quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời xin ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dịch vụ HC công…

Kết quả khảo sát trực tuyến đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tổ chức được công khai đến các cơ quan liên quan, công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và đưa vào tiêu chí chấm điểm thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị hàng năm; là kênh thông tin phục vụ cho công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách công tác giải quyết TTHC và các cơ quan, đơn vị, địa phương cung ứng dịch vụ HC công...

Có thể nói việc tổ chức khảo sát này thể hiện quyết tâm của tỉnh ta trong việc xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại và phục vụ, bảo đảm liên thông, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Suy cho cùng, muốn CCHC tốt thì chỉ số hài lòng của người dân phải được đánh giá chính xác để từ đó có những giải pháp khắc phục, thay đổi thái độ phục vụ Nhân dân, làm gia tăng thêm chỉ số hài lòng đích thực của người dân. Việc xác định mức độ hài lòng còn được xem là chỉ số then chốt để điều chỉnh thái độ của công chức, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Một khi biết mức độ hài lòng hay không hài lòng của người dân, người cán bộ sẽ sửa đúng chỗ, sau đó công bố kết quả giải quyết việc không hài lòng cho dân một cách công khai. Có như vậy, việc thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân mới đạt kết quả chính xác, việc CCHC cũng đạt kết quả tốt…như nhiều người dân mong muốn.