Nhờ đó, đến cuối tháng 9, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 20.662 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có chỉ số tăng cao nhất với giá trị gia tăng toàn ngành đạt 7.064 tỷ đồng, tăng 11,92%, đóng góp 3,93 điểm phần trăm. Tiếp đến là khu vực dịch vụ đạt 6.717 tỷ đồng, tăng 7,49%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.949 tỷ đồng, tăng 4,23%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Thuế sản phẩm tăng 7,91%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm. Về cơ cấu GRDP, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,98%; khu vực dịch vụ chiếm 28,71%; thuế sản phẩm chiếm 4,50%.
Bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, trong 9 tháng năm 2024, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; các ban quản lý dự án chuyên ngành, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, thanh toán vốn theo quy định, tránh để dồn vào thời điểm cận cuối năm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về thu tiền sử dụng đất, để đảm bảo nguồn vốn phân bổ cho các dự án... Nhờ đó, tính chung 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.880,2 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.383,2 tỷ đồng, tăng 15,8%.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN), so với cùng kỳ năm trước, số lượng DN thành lập mới 9 tháng năm 2024 tăng 0,6%. Cụ thể, tính đến ngày 20/9, có 331 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 4.162,4 tỷ đồng. Số lao động đăng ký trong các DN thành lập mới 1.918 lao động, tăng 21,6% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 84 DN quay trở lại hoạt động, điều đó cho thấy các giải pháp điều hành kinh tế của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả. Các chỉ tiêu như: Thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng ước đạt 3.539,3 tỷ đồng, đạt 88,5% dự toán năm và tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 3.474,8 tỷ đồng, đạt 88% và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 36,4 tỷ đồng, đạt 68,8% và tăng 65,9%.
Góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 9 tháng qua còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 9/2024, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 24.100 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2023; bằng 95,4% kế hoạch năm 2024. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 47.050 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023; bằng 99,85% kế hoạch năm. Để góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân nhằm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, trong 9 tháng, tỉnh chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tín dụng như: Cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/9/2024 dư nợ đạt 3.760 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2023. Cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP dư nợ cho vay đóng mới, nâng cấp vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hiện còn 332,9 tỷ đồng/42 tàu cá. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại là 3,92 tỷ đồng. Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ phát triển và quản lý nhà ở xã hội dư nợ đạt 83,17 tỷ đồng.
Trong 9 tháng qua, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, đi lại tăng. Nhiều DN, cơ sở kinh doanh thương mại, các siêu thị, trung tâm mua sắm luôn duy trì lượng hàng hóa dồi dào và tăng cường đầu tư các sản phẩm mới, đa dạng phong phú. Các kênh siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi đã kích cầu, thu hút lượng người tiêu dùng mua sắm nhộn nhịp. Tính chung 9 tháng 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 32.278,9 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 16,6%).
Đối với hoạt động xuất khẩu, nhìn chung gặp khó khăn về cạnh tranh quốc tế, đơn hàng giảm và ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu. Do đó, tính chung trong 9 tháng 2024, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chỉ ước đạt 73,7 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 49,1% so kế hoạch (150 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Thủy sản ước đạt 18,4 triệu USD, giảm 60% so cùng kỳ năm trước; nhân điều 9,8 triệu USD, giảm 23,6%; mặt hàng khác (khăn lông, thạch nha đam...) ước đạt 45,4 triệu USD, tăng 100,7%.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển KT-XH của tỉnh 3 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 đạt 11,01%, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm; nhất là chỉ đạo quyết liệt 3 khâu đột phá theo nghị quyết của Tỉnh ủy và 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gồm: Thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm khắc phục kịp thời những khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra tại các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhất là khắc phục khuyết điểm, tồn tại, vi phạm đối với các dự án năng lượng, dự án BT theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thực hiện tốt phương châm “Chính quyền đồng hành cùng DN”, tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với DN, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN để tháo gỡ, xử lý có hiệu quả, nhanh nhất, có kết quả cụ thể. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế, xây dựng, quy hoạch, lao động, tiếp cận tín dụng. Theo dõi và dự báo sát tình hình sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới. Triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi gắn với chính sách hỗ trợ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững...
Linh Giang