Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017

(NTO) Trong 2 ngày 28 và 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, thảo luận các giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Bình, Trần Quốc Nam, Phạm Văn Hậu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị nhằm phân tích, đánh giá tình hình KT-XH năm 2016, đề ra những giải pháp lớn, những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2017.

 Các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh;
Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Văn Miên

Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên 10 kết quả tích cực cũng như 9 tồn tại, hạn chế nổi bật, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm hành động, khắc phục khó khăn, yếu kém để phát triển KT-XH mạnh mẽ thời gian tới. Thủ tướng đánh giá, trong tình hình đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, nhân tai diễn ra khốc liệt, tình hình thế giới diễn biến khó lường..., Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về KT-XH. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp trọng tâm, đi thẳng vào những khó khăn vướng mắc, giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng, tháo gỡ những rào cản... để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm 2017.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 7 nội dung, trong đó có Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; dự thảo Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020; dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, kết quả kiểm tra của Tổ công tác…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh rất khó khăn về thiên tai, song chúng ta đã đoàn kết, vượt qua, đạt được nhiều kết quả quan trọng về KT-XH. Chúng ta có 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt là vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhiều địa phương, nhiều ngành đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên. Thành tựu đạt được trong năm qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, năm 2017 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn (thiên tai, nợ công, năng lực cạnh tranh, biến động quốc tế phức tạp, khó lường…), để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, Thủ tướng mong muốn cả hệ thống phải chuyển động, đặc biệt là chính quyền cơ sở vì nơi đây sát dân. Thủ tướng yêu cầu tập trung điều hành trong năm 2017 phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016 trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh…

Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm… Với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.