Chương trình hành động của đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển - Ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021

Đơn vị bầu cử số 3 (Gồm 06 xã thuộc huyện Thuận Bắc)

- Họ và tên khai sinh : NGUYỄN DÂNG TUYỂN

- Sinh ngày : 30 tháng 6 năm 1966

- Chỗ ở hiện nay : Số 41, đường Nguyễn Trung Trực, khu phố Khánh Hiệp, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

- Trình độ chuyên môn : Cử nhân Ngữ văn; Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước.

- Chức vụ hiện nay : Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

- Đơn vị công tác : Huyện ủy Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Được Đảng bộ, Ủy ban bầu cử, Ủy ban MTTQVN tỉnh, huyện giới thiệu, hiệp thương làm ứng cử viên HĐND 2 cấp - cấp tỉnh và cấp huyện, nhiệm kỳ 2016-2021; nếu trúng cử là đại biểu HĐND, cùng với nhiệm vụ được Đảng phân công là Bí thư Huyện ủy, tôi sẽ tập trung thực hiện 2 nhóm công việc sau đây:

- Nhóm việc thứ nhất, sẽ thực thi tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử 2 cấp- cấp tỉnh và cấp huyện.

- Nhóm việc Thứ hai, cùng với Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đối với nhóm nhiệm vụ thứ nhất, tôi sẽ thực thi tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử:

1. Giữ mối liên hệ tốt với cử tri: Thường xuyên nắm tình hình trong dân, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là những vùng khó khăn… để báo cáo với cấp thẩm quyền giải quyết, nhất là những kiến nghị, đề nghị chính đáng về phát triển kinh tế, dân sinh…

2. Tôi sẽ tham gia đầy đủ và tích cực ở các kỳ họp HĐND 2 cấp-tỉnh và huyện: Tham gia xây dựng các Nghị quyết HĐND, thảo luận các báo cáo; tích cực tham gia các nhiệm vụ được phân công…

3. Tôi sẽ đề nghị và trực tiếp thúc đẩy giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân…

Đối với nhóm nhiệm vụ thứ hai: Cùng với Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Có thể nói đây là vấn đề trung tâm mà cử tri, Nhân dân quan tâm, làm gì và làm như thế nào để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động của địa phương, nâng mức thu nhập của người dân; chăm lo công tác giáo dục và đào tạo, tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho giai đoạn mới.

5 năm của nhiệm kỳ qua, năm 2011-2016, gắn việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, vừa là nhiệm vụ của Đảng phân công – Chủ tịch UBND huyện, rồi Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch HĐND. Được sự hỗ trợ của trên, với vị trí, vai trò của mình, tôi đã cùng với hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân đã thực hiện được khá nhiều nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở huyện và các xã, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước..., đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Trên lĩnh vực văn hoá-xã hội: Công tác giáo dục và đào tạo, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm chăm lo, từng bước nâng cao về chất lượng, có 5/6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 19%, có 25/32 thôn được công nhận thôn văn hóa; giải quyết việc làm hàng năm cho hơn 800 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,72%; có 2/6 xã đạt chuẩn quốc gia Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thuận Bắc chưa thể theo kịp các địa phương khác, vì có điều kiện tốt về hạ tầng, nguồn lực trong dân dồi dào hơn; đặc biệt là trong 2 năm gần đây trên địa bàn huyện tình hình hạn hán gay gắt kéo dài, thiếu nước sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Những thành quả đạt được là khá nhiều, nhưng những hạn chế trên từng lĩnh vực đời sống, kinh tế còn nhiều vấn đề đặt ra, thậm chí có mặt là những thách thức lớn, đòi hỏi phải đồng lòng, chung sức cả chính quyền và Nhân dân cùng nỗ lực, phấn đấu thực hiện mới vượt qua được. Tôi sẽ quan tâm tập trung 3 nhóm việc chính sau, đó là:

- Thực tại ở địa phương, nông nghiệp là ngành sản xuất chính và cũng là ngành đem lại thu nhập chính của đa số nhân dân trong huyện, nhưng giá trị sản xuất, lợi nhận không cao, nhiều hộ nông dân sản xuất không đủ trang trải cuộc sống…, nhất là qua đợt hạn hán kéo dài, không đủ nước sản xuất, nhiều vùng đất, nhiều vụ thiếu nước, bỏ hoang hóa. Vậy phải làm gì để đảm bảo liên tục sản xuất được và có thu nhập cao hơn? Tất yếu phải chuyển đổi cây trồng dùng ít nước và có giá trị kinh tế cao hơn trồng cây lúa; xa hơn nữa là phải tính toán chuyển dịch trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Làm như thế nào, đây là vấn đề đặt ra!

- Tỷ lệ giảm hộ nghèo trong thời gian qua là một kỳ tích, giảm từ 46,1% của 10 năm trước, xuống còn 13,72%; nay chuyển sang chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện là cả một thách thức (38,22% hộ nghèo và 9,68% hộ cận nghèo). Giải quyết bài toán này là cả một vấn đề!

- Giải quyết việc làm cho lao động thanh niên, lao động nông nhàn. Đây cũng là vấn đề quan tâm để người lao động có thu nhập và có thu nhập cao là cả một vấn đề - phải quan tâm đến giáo dục đào tạo, đến chất lượng nguồn nhân lực; phải quan tâm đến kêu gọi đầu tư các dự án vào địa phương… những việc này cần phải đầu tư, tập trung, dài hơi, mới giải quyết được, không làm được sẽ khó khăn và tụt hậu xa hơn!

Đây cũng chính là những vấn đề mà một đại biểu HĐND, một người đứng đầu một địa phương - được Nhân dân và Đảng giao phó - phải trăn trở để giải quyết!

Giải pháp để thực hiện những vấn đề trên, ở góc độ quản lý, lãnh đạo, chỉ có thể là đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã…, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, hết lòng phục vụ Nhân dân.

Đồng thời, tôi cũng mong nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, sự giám sát, giúp đỡ của cử tri, của Nhân dân để thực hiện tốt các nội dung của Chương trình hành động, nhằm đem lại cuộc sống no ấm cho Nhân dân.

Cuối cùng, một lần nữa, tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn của cá nhân đối với cử tri và toàn thể nhân dân các xã trong huyện đã ủng hộ, giúp đỡ tôi trong nhiệm kỳ qua và mong tiếp tục nhận được ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian đến để bản thân tôi thực hiện, giải quyết những vấn đề mà cử tri, Nhân dân mong đợi.