Chương trình hành động của những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Ninh Thuận


► ĐƠN VỊ BẦU CỬ SỐ 2 (Huyện Ninh Hải, huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước)

- Họ và tên khai sinh : PHAN XUÂN DŨNG

- Sinh ngày : 20 tháng 5 năm 1960.

- Nơi ở hiện nay : Nhà B9, TT4, Khu nhà ở Quốc hội, Khu đô thị mới Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

- Trình độ chuyên môn : Đại học chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy.

- Chức vụ hiện nay : Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc của Quốc hội Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam.

- Đơn vị công tác : Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tôi xúc động, vì thời gian trôi đi sao mà nhanh đến vậy, thấm thoát đã trải qua 5 năm. 5 năm về trước, lúc đó, tôi được Trung ương, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu và phân công tôi ứng cử ĐBQH khóa XIII tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Lúc đó, tôi thực sự hồi hộp và lo lắng.

5 năm đã trôi qua, được chung sống cùng bà con, được bà con yêu thương, đùm bọc, tôi cảm thấy không biết tự bao giờ đã trở thành người con của vùng đất này, mảnh đất Ninh Thuận thân thương. Vì thế, lần này khác lần trước là tôi được giới thiệu và phân công ứng cử ĐBQH tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận mà lần này, tôi tự xin được ứng cử tại Ninh Thuận. Nếu lần trước, tôi hồi hộp và lo lắng thì lần này tôi thực sự vui vẻ và tự hào vì được chấp thuận tiếp tục ứng cử tại tỉnh nhà Ninh Thuận.

Hôm nay, có cô bác đã gặp nhiều lần, nhưng có người chưa gặp lần nào. Vì thế, tôi xin được giới thiệu thêm một ít về bản thân để bà con cô bác rõ thêm. Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Can Lộc, Hà Tĩnh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy tại Liên Xô năm 1984, tôi làm việc tại Viện Máy nông nghiệp, Bộ Công nghiệp cho đến cuối năm 1996. Trong thời gian đó, là cán bộ nghiên cứu, Tổ trưởng Tổ công đoàn, là Phó phòng Máy canh tác, là Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN và Phó Viện trưởng của Viện. Cũng trong giai đoạn đó, tôi được Đảng cử đi làm luận án Tiến sĩ khoa học tại Liên Xô (cũ) vào năm 1889-1995.

Từ năm 1996-2001, được đồng chí Nguyễn Đình Tứ, nguyên là Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị điều động làm Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Ban Khoa giáo Trung ương.

Từ năm 2002-2006, là Viện trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy Viện Ứng dụng Công nghệ và là Đảng ủy viên Bộ KH&CN.

Viện Ứng dụng Công nghệ, nơi tôi làm Viện trưởng, đã từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh về thiết kế hệ thống máy rà phá thủy lôi cho vùng biển chúng ta hồi kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ này do GS. Vũ Đình Cự chủ trì, giáo sư sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tôi cùng các đồng nghiệp đã làm được nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ an ninh và quốc phòng như thiết kế các hệ thống bắt bám đối tượng để điều chỉnh đường bay của tên lửa, của pháo cao xạ 57-37 ly; làm xương sọ, chân tay giả bằng vật liệu côm-pô-xít phục vụ cho thương bệnh binh và cung cấp cho hầu hết các bệnh viện trong cả nước; làm xuồng Comopodit cho Trường Sa và các đảo của Tổ quốc; làm máy tán sỏi thận ngoài cơ thể và các máy Lazer đang chiếm thị phần lớn trong cả nước. Và nhiều việc khác nữa…

10 năm trước, năm 2006, tại Đại hội Đảng lần thứ X, tôi vinh dự được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Sau đó, tôi trở thành ĐBQH khóa XII và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

5 năm trước, năm 2011, tại Đại hội Đảng lần thứ XI, tôi vinh dự được bầu làm Ủy viên chính thức Trung ương Đảng. Sau đó trở thành ĐBQH khóa XIII của tỉnh Ninh Thuận và trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tôi không chỉ là cán bộ quản lý khoa học và công nghệ mà còn tham gia hướng dẫn tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư cho Đại học Thủy lợi, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Đại học Bách khoa… Tham gia viết giáo trình cho sinh viên và nghiên cứu sinh.

Từ các hoạt động của mình, tôi đã được bằng khen của Trung ương Đoàn vì tham gia Sáng tạo quốc tế; là Chiến sỹ thi đua nhiều năm liền; luôn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được nhận Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ, Kỷ niệm chương của Bộ Tư lệnh Hải quân, của Bộ GD&ĐT, của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Hội Liên hệ Phụ nữ Việt Nam…

Bố mẹ tôi đều là đảng viên, là cán bộ ngành Kiểm sát đã về hưu. Vợ tôi cũng là đảng viên, là Hiệu trưởng THCS Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Tôi có 2 con gái, cả 2 đều là đảng viên. Cháu đầu là Trưởng phòng của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp & Công nghệ, Bộ KH&CN. Cháu thứ hai hiện đang là trợ giảng tại một trường đại học lớn ở Hàn Quốc.

5 năm qua, tôi đã luôn cố gắng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó cũng như với tư cách là ĐBQH của tỉnh nhà.

Đối với nhiệm vụ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đó là những nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng với sự cố gắng hết sức, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá là tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã hoàn thành một khối lượng lớn nhiệm vụ được giao. Đó là:

- Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, kiến nghị nội dung sửa đổi, đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

- Chủ trì thẩm tra, chỉnh lý 12 dự án Luật trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu thống nhất cao; phối hợp thẩm tra hơn 15 dự án Luật.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức 1 chuyên đề Giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; về việc thực hiện chính sách pháp luật; về ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long; giám sát 8 chuyên đề của Ủy ban.

- Chủ trì giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách Khoa học, Công nghệ và Môi trường; các công trình trọng điểm quốc gia; những vấn đề bức xúc trong xã hội.

- Tổ chức hội nghị, các phiên giải trình trực tuyến… được Nhân dân, cử tri cả nước quan tâm, hoan nghênh và đánh giá cao…

Đối với nhiệm vụ là thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

- Đối với nguyện vọng và kiến nghị xác đáng của bà con cô bác tỉnh nhà về cơ chế chính sách, tôi đã cố gắng trình lên cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ để giải quyết.

- Đối với những việc chung của tỉnh, tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh để kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và quyết định ngân sách xây dựng hạ tầng cho tỉnh Ninh Thuận như đường ven biển, các hồ thủy lợi, đường giao thông, các công trình công cộng của tỉnh. Qua đó, đã góp phần làm cho tỉnh nhà có nhiều thay đổi tích cực.

- Đối với gia đình khó khăn, gia đình chính sách, tôi đã vận động một số tổ chức, cá nhân, cũng như của bản thân hàng năm đến Tết đi thăm hỏi, chia sẻ ngọt bùi và cũng đã xây được hơn 10 ngôi nhà tình nghĩa. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi nhiều lần đóng góp thêm cho bếp tình thương, động viên người bệnh… Và rất nhiều việc làm cụ thể khác.

Lần này, tôi rất mong muốn được bà con cử tri tiếp tục bầu tôi vào Quốc hội khóa XIV, tôi xin cố gắng phấn đấu làm hết sức mình để làm tốt hơn nữa với tư cách là ĐBQH, đại biểu của Nhân dân, lắng nghe ý kiến của bà con cô bác, đưa kiến nghị, nguyện vọng của bà con trình lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết, cố gắng phấn đấu để không phụ lòng sự ủng hộ của bà con…

Đối với công việc chung của tỉnh, tôi nguyện bằng trí tuệ, sức lực nhỏ bé của mình góp phần vào xây dựng mảnh đất quê hương Ninh Thuận đàng hoàng hơn, giàu mạnh hơn, hoàn thành thắng lợi tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đặt ra cho giai đoạn 2015-2020 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII đã đề ra.

Một lần nữa xin được chân thành cảm ơn bà con, cô bác. Chúc bà con, cô bác gặp nhiều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc.