Ẩm thực về đêm

Nhộn nhịp quán

Với cuộc sống hiện nay, việc đi ăn tối bên ngoài được nhiều người lựa chọn. Đoạn đường Trần Quang Diệu (nằm sau Công viên 16 Tháng 4) chỉ dài khoảng 300m nhưng các quán ăn mọc lên san sát, đặc biệt vào buổi tối, đi qua con đường này bạn sẽ nhận được nhiều lời mời chào vào “thưởng thức” từ các quán. Ở đây rất đa dạng, phong phú về các món ăn, có lẽ nhiều nhất vẫn là các quán chuyên về lẩu bò hay như các quán bánh căn, bánh xèo…Chúng tôi ghé vào quán lẩu bò khá nổi tiếng mang tên “6 Hít”, trong quán rất đông thực khách, từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp ngồi quây quần quanh chiếc bàn khá đơn giản. Chị Nguyễn Thị Mai một khách đến ăn tại quán cho biết: Thỉnh thoảng gia đình chị vẫn tới đây ăn, quán bình dân và hợp khẩu vị nên ăn ở đây vừa thuận tiện lại không phải nấu nướng ở nhà và quan trọng hơn là muốn thay đổi không khí gia đình một chút.

Anh Trần Minh Trí một thực khách khác cho biết: Ăn tối ở nhà lúc nào cũng ấm cúng hơn, tuy nhiên do điều kiện công việc nên hôm nào 2 vợ chồng đi làm về trễ là cả gia đình cùng đi ăn tối bên ngoài, không phải đi chợ về nấu nướng rất mất thời gian. Ghé một quán bán hủ tiếu ven đường Ngô Gia Tự vào buổi tối, chúng tôi cũng nhận thấy khá đông thực khách đến ăn. Trong đó nhiều nhất là lứa tuổi học trò, thanh-thiếu niên. Em Nguyễn Minh Anh, cho biết: Ăn ở đây rất nhanh gọn, thuận tiện, giá cả lại rẻ nên em cũng thỉnh thoảng ăn tối bên ngoài.

 
Các quán ăn tối tại khu vực chợ Phan Rang.

Từ lâu, việc đi ăn tối bên ngoài đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người và nhiều gia đình. Vì vậy mà các cửa hàng, quán ăn cũng “đua nhau” mọc lên để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”. Các quán ăn tối trên địa bàn thành phố rất đa dạng, cho nhiều đối tượng khác nhau. Nếu ai có điều kiện có thể vào những nhà hàng sang hơn …hoặc bình dân hơn thì vào các quán ven đường. Tập trung nhiều nhất có thể kể đến khu vực chợ Phan Rang, đường Ngô Gia Tự hay như đường Trần Quang Diệu và một số tuyến đường khác. Nếu có nhu cầu ăn khuya hoặc những người sau cuộc vui chơi có thể tìm đến các quán ăn đêm, nhiều quán ăn phục vụ thực khách đến 1-2 giờ sáng, tập trung tại khu vực chợ Phan Rang,

Cùng với số lượng lớn nhà hàng, quán ăn bình dân mọc lên trên hầu hết các tuyến đường nội thành trong thời gian qua thì vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm, lo lắng nhất vẫn là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực tế khi chúng tôi đi tìm hiểu về vấn đề này đã cho thấy tại rất nhiều quán ăn vỉa hè đều không tuân thủ, chấp hành nghiêm về VSATTP. Không hề nói quá khi các quán cóc, quán ăn ven đường suốt một buổi bán chỉ dùng vỏn vẹn một hay hai xô nước để rửa hàng đống tô, đũa, muỗng. Bên cạnh đó, việc thức ăn lề đường có giá rẻ “bất ngờ” so với các quán ăn được kiểm định cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng VSATTP. Ở những quán vỉa hè như thế này, không ai biết rõ nguồn gốc thực phẩm từ đâu... Chúng tôi đã từng chứng kiến chị chủ quán tại một quán bún bò vỉa hè trên đường Thống Nhất không cần bao tay, cứ thế bốc bún…. Phía sau lưng chỉ có 2 thùng nước, 1 thùng dùng để rửa tô bằng nước rửa đầy xà phòng, thùng còn lại dùng để tráng tô sơ sài. Chỉ nhìn qua đã thấy rất mất vệ sinh, và liệu những thực khách đang ăn có quan tâm đến vấn đề này? Ngoài ra, do các hàng quán nằm ngay lề đường nên việc bị ô nhiễm khói bụi là điều không tránh khỏi. Nhiều quán bảo quản đồ ăn không kỹ, xung quanh là rác rưởi do các người ăn trước để lại…

Bộ Y tế đã ban hành 10 tiêu chuẩn về kinh doanh thức ăn đường phố. Nếu theo bộ tiêu chuẩn này thì có hơn 85% hàng quán thức ăn đường phố vi phạm về VSATTP. Nhưng công tác kiểm tra, xử lý các hàng quán vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Không dễ quản lý

Thức ăn đường phố về đêm tiềm ẩn nhiều mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu không được đảm bảo các tiêu chuẩn VSATTP, nhưng nhiều người chưa có cái nhìn đúng về vấn đề này. Thức ăn được bày bán trên vỉa hè, tại các chợ, bến xe, nơi đông người qua lại…, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Nếu như tại các nhà hàng thì công tác kiểm tra VSATTP được tiến hành dễ dàng hơn, thì tại các quán ăn bình dân, vỉa hè công tác này hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo Chi cục VSATTP cho biết: Toàn tỉnh hiện có 3.182 cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó có đến 2.334 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (chiếm 73,4%). Riêng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 937 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 585 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (chiếm 62,4%). Bà Mai Thị Phương Ngọc, Chi cục trửởng Chi cục VSATTP đánh giá: Thức ăn đường phố là loại hình phục vụ tiện lợi, rẻ tiền nên được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, loại hình này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo kết quả thanh, kiểm tra về thức ăn đường phố của 7 huyện, thành phố có những vi phạm thường gặp như: Cơ sở thức ăn đường phố có địa điểm kinh doanh thường là vỉa hè, bến xe, nhà ga… hoặc kinh doanh lưu động, nơi chế biến, bày bán thức ăn không bảo đảm vệ sinh; nhân viên phục vụ đa phần làm việc theo thời vụ, thường xuyên thay đổi chỗ làm nên việc khám sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP khó khăn; việc thực hiện ký giấy cam kết bảo đảm về ATTP theo quy trình cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố lưu động còn nhiều trở ngại do tính chất không ổn định, thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, việc quản lý và duy trì hoạt động của loại hình này cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn cho các ngành chức năng, trước hết cần có sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư, đặc biệt chính quyền địa phương nơi có cơ sở tổ chức chế biến thực phẩm.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ ngộ thực phẩm, với 32 người mắc, có 1 người tử vong. Trong đó có 2 vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng thức ăn đường phố. Riêng tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc, trong đó có 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 4 người mắc do ăn phải cá khô nghi có chứa tộc tố tự nhiên được mua từ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Hằng năm, Chi cục VSATTP có tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn tỉnh vào các ngày lễ, các sự kiện lớn. Ngoài ra còn có kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch các quý trong năm. Tuy nhiên, theo văn bản “Hướng dẫn phân cấp quản lý ATTP thuộc lĩnh vực ngành Y tế, được ban hành kèm theo Quyết định số 2014/QĐ-SYT ngày 08-7-2015 của Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận” phân cấp công tác quản lý, kiểm tra về ATTP đối với loại hình thức ăn đường phố thuộc về UBND cấp xã, phường, nhưng hiện nay công tác quản lý của chính quyền cơ sở về vấn đề này vẫn còn bị xem nhẹ và buông lỏng. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm tại tuyến xã, phường chưa áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, chỉ nhắc nhỡ nên chưa đủ sức răn đe.

Có thể nói, các quán ăn về đêm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần quản lý, kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm đủ sức răn đe các cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Người tiêu dùng cũng cần “thông minh” để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.