Ấn tượng: Có mặt tại công trình vào những ngày lễ lịch sử của dân tộc: Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trên công trình những người thợ đang khẩn trương, tích cực hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để kịp hoàn thành vào ngày 24-3-2015, chào mừng 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam. Từ ngoài nhìn vào quảng trường tiền môn với 8 trụ huyền thoại được thi công từ những thân đá nguyên khối đã hoàn thành. 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9 mét, đường kính bình quân trên 1,2 m bằng đá sa thạch, trên thân trụ khắc ghi công lao của gần 50.000 Mẹ VNAH trên khắp cả nước.
8 trụ huyền thoại trên khắc tên hơn 50.000 Mẹ VNAH trước quảng trường tiền môn
Tượng đại Mẹ VNAH đã hoàn thành.
Dọc hai bên lối đi dẫn vào tượng chính là 30 trụ đèn đá, tượng trưng cho 30 năm Mẹ mong chờ đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Hai bên Tượng đài là hai thảm hoa 600m2 với nhiều họa tiết, sắc thái của 54 dân tộc anh em sống trên Tổ quốc Việt Nam. Bên góc trái của Tượng đài, nhà đón tiếp khách đến viếng hương, tham quan và công trình phụ đã hoàn thiện. Các nhà chòi làm điểm dừng chân, nghỉ ngơi cho khách phân bổ khắp toàn khu đã nên hình hài.
Ở khu vực tượng chính Bà mẹ VNAH, từ dưới nhìn lên cao 18m, gương mặt Mẹ VNAH đã hoàn thành không khác gì nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Mặt sau và mặt trên tượng Mẹ đang được những người thợ điêu khắc chế tác sắp hoàn thành. Hai bên chân dung Mẹ ở mặt trước là chân dung của 11 chiến sĩ hướng về phía Mẹ đang được những người thợ điêu khắc, chạm trổ một cách tỉ mỉ. Ngay sau quảng trường tiền môn là 18 phiến đá được mang về từ 18 địa danh có những nét đặc sắc như Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Cao Bằng, Cà Mau, Quảng Nam, Móng Cái... Trên mỗi phiến đá được khắc những câu thơ nổi tiếng về Mẹ trong suốt dòng chảy thơ ca từ quá khứ đến hiện tại. Theo thiết kế, trước sân hành lễ có sức chứa khoảng 5.000 người là hệ thống thác nước trắng xóa tuôn chảy không ngừng như sức sống của đất nước, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật độc đáo tôn thêm vẻ đẹp của hình tượng Mẹ. Trong lòng tượng Mẹ sẽ là một bảo tàng về Mẹ VNAH trong cả nước thu nhỏ, với sự đóng góp hiện vật của các tỉnh thành trong cả nước.
Tượng đài Mẹ VNAH được Họa sĩ Đinh Gia Thắng lấy nguyên mẫu chân dung
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ở tỉnh Quảng Nam.
Bao bọc xung quanh là rừng cây xanh như một công viên quốc gia sẽ là điểm nhấn đặc biệt của quần thể Tượng đài Mẹ VNAH. Cây xanh sẽ được huy động từ 63 tỉnh thành trong cả nước với những loại cây tiêu biểu, đặc trưng nhất cho mỗi tỉnh thành. Rừng cây, vườn truyền thống bao bọc quanh tượng Mẹ, như là tấm lòng của nhân dân cả nước dâng về Mẹ, ghi nhớ công lao của những người Mẹ VNAH của đất nước anh hùng.
Địa chỉ đỏ văn hóa tâm linh: Quần thể Tượng đài Bà mẹ VNAH được xây dựng, tọa lạc trên diện tích hơn 15ha, với lối kiến trúc truyền thống hòa với hiện đại. Quy hoạch chi tiết không gian kiến trúc và cảnh quan Tượng đài Mẹ VNAH nhằm tôn tạo các giá trị tư tưởng, nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc Mẹ VNAH. Không gian đó không chỉ là nơi tôn vinh và tưởng nhớ người Mẹ VNAH, mà còn là nơi để cảm nhận các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, nơi các con của Mẹ, các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tham quan, vui chơi hằng ngày và tổ chức sinh hoạt văn hóa, lễ hội... Tỉnh Quảng Nam được chọn là nơi đặt tượng đài Mẹ VNAH. Đây là tỉnh có nhiều bà mẹ VNAH nhất nước với gần 7 ngàn bà mẹ, trong đó có Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn có 9 người con, 1 con rể và 2 người cháu đã hy sinh cho Tổ quốc được chọn là nguyên mẫu của Tượng đài Mẹ VNAH trong quần thể di tích.
khu vực chính Tượng đài Mẹ VNAH của khu di tích.
Trả lời các cơ quan truyền thông trong lễ khởi công xây dựng, Họa sĩ Đinh Gia Thắng (tác giả thiết kế hình tượng Mẹ VNAH) cho biết: Với tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc các Bà mẹ VNAH, nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi xuất phát từ ý tưởng và hình tượng Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, bởi: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận. Mẹ là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ vẫn tiếp thêm nguồn sức sống mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh”.
Nhà báo Doãn Kỳ Trí, Báo Quảng Nam, cho biết: Công trình Tượng đài Mà mẹ VNAH được khởi công xây dựng ngày 27-7-2009, với tổng kinh phí 411 tỷ đồng. Đến nay khối lượng hoàn thành gần 80%. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào ngày 24-3-2015, 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam. Khu tượng đài có vị trí điều kiện tự nhiên, phong thủy tốt, nằm trên đường đi ra bờ biển, địa điểm thuận lợi cho việc thăm viếng của nhân dân và tham quan của khách du lịch. Trong tương lai, khi tuyến đường du lịch ven biển từ Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến Núi Thành, Quảng Nam được xây dựng, kết nối với đường An Hà-Quảng Phú thì Tượng đài Mẹ VNAH là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Dù đang trong thời gian thi công, nhưng có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Nam cũng đã tìm đến khu di tích này để tham quan, tìm hiểu về lịch sử ý nghĩa của công trình. Ngoài các điểm đến nổi tiếng như Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn…Tượng đài Mẹ VNAH sẽ là một địa chỉ đỏ văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.
Xuân Bính