Đếm không hết nơi chỗ dùng ảnh xưa để treo thay tranh đâu, khi mà nó quá phổ biến ở thành phố này. Tôi hỏi chủ một quán nhậu bên hồ lắng Hồng Lạc sao lại treo những cảnh đô thị Đà Lạt xưa lên tường mà không thứ khác cho gần gũi ? Chủ quán rằng ảnh xưa thế này quán sẽ đặc sắc hơn, khách thích nhìn. Lấy đâu ra ảnh Đà Lạt xưa hay hè? “Đi mua anh ạ”, người chủ tự hào về thứ mình có. Ở một câu lạc bộ bida ở ngã Năm đại học, tôi hỏi những bức ảnh xưa rích về phố núi trên tường kia, ông chủ: “Chơi thế mới chơi!”. Khách sạn người ta treo thì khỏi nói rồi, cho du khách thêm khám phá Đà Lạt ngay chỗ lưu trú. Cà phê Mỹ Duyên trên đường Bùi Thị Xuân, tôi vẫn hỏi kiểu tương tự. Cô chủ quán khoe là ngày khai trương quán, có người đã mang nó đến để “Chúc mừng quán”. Tôi bảo sẽ tặng cô ảnh về Đà Lạt ngày nay được chụp kỳ công hơn, khung cảnh lạ hơn có nhận và thay cho những ảnh kia ? Cô cảm ơn tôi về nhã ý, nhưng bảo tôi giữ lấy mà treo.
Những biệt thự lưa thưa trên đồi nhìn xuống hồ nước ở Đà Lạt.
Khách sạn cũng không được xây cao tầng và không được chiếm ngự hết cảnh quan.
Kỳ lạ thật, con người ta bỗng một ngày yêu ký ức thế, Trời ! Tha nhân hình như luôn có nhu cầu muốn biết gốc gác của mình. Và nơi mình sống, cũng vậy. Mà xem lại ảnh xưa là như lật lại quá khứ, đập vỡ thời gian để nhận chân, cảm xúc, thăm viếng, “du lịch” ngay quê xứ xa xưa chăng. Ở thành phố này nó vốn mơ mộng, nên những cú chơi “khác người” cũng sang, đòi hỏi tri thức cao, sang và đẹp, hàn lâm và tinh tế. Có những điều thú vị của cuộc sống nằm ở chiều vi tế đơn giản.
Sách bán chạy đều nhất của nhà sách Phương Nam_nhà sách tiêu biểu nhất ở phố núi Đà Lạt những năm rồi là sách ảnh về “Đà Lạt xưa”(chứ không phải cuốn bút ký “Giã biệt hoang vu” của tôi!). Cứ có hình ảnh Đà Lạt ngày xưa là trước sau cũng hết, chả cần biết của Nhà xuất bản nào. Chồng sách cao ngất, ít ngày tạt vô nhìn lại, thấy chạm đáy. Sách chả có trang nội dung nào, mỗi trang là một bức ảnh ôm trùm, thi thoảng mới có một vài chữ dưới cùng. Từng trang như từng cuốn phim thu lại. Ông dân biểu sử học Dương Trung Quốc cũng làm sách ảnh về “Đà Lạt xưa” mà ông nhiếp ảnh Tam Thái,… ở tận Sài Gòn cũng làm “Ngày xưa Đà Lạt”. Người Đà Lạt đang như trong cơn nghiện “kí ức”.
Đà Lạt xưa là gì ? Là những gì thơ mộng vốn có của xứ sở, về những năm tháng đã đi qua. Là thiên nhiên êm ái, mong manh núi đồi mấp mô. Là khói sương bãng lãng. Là những rừng lá kim tinh khiết. Là những người Lạch thuần hậu hồn cốt núi rừng. Là những nhóm người xa lạ không thuộc chủng nòi ở cao nguyên Langbian xa lạ đi khám phá xứ sở sơn nguyên này. Những làng người sơn cước thuần hậu chưa bước ra với thế giới bên ngoài. Những làng lưu dân người Việt với nguyên xi lối ăn vận khăn đóng áo dài. Rồi dấu ấn đô thị cắm xuống để chuyển hóa nó bước thẳng sang cuộc đời “phố”. Thế là xuất hiện những đường sá đô thị núi mềm mại len lỏi theo lũng đồi. Là những biệt thự với thứ kiến trúc xa lạ tỉ mẩn và kỳ công của văn minh phương Tây thảnh thơi mọc lên những dải đồi lưa thưa thông. Là công trình cho người ở với chất liệu xây cất là xi măng, gạch đá, sắt thép xuất hiện trước sự ngơ ngác của cộng đồng bản địa chỉ gần gũi với thảo mộc. Rồi những đường sá láng cặn dầu mỏ(nhựa), dãy phố, công sở chính quyền, chợ búa, trường học, bệnh viện, thánh đường, nhà chùa, khách sạn, hội quán. Là những rừng thông nguyên vẹn, thác nước hoang sơ, những dòng suối êm ả… Ảnh càng về xưa là do người Pháp chụp, vì người Việt và người Lạch làm sao chế tạo ra được chiếc máy ảnh cũng như sở hữu được nó. Những bức ảnh tuyệt đẹp mà vô danh, vì hẳn những người làm sách sưu tập từ đâu đó nhưng không đủ sức tìm ra tác giả. Ảnh có rõ tên tác giả thì là của những nghệ sĩ nhiếp ảnh người Việt đầu tiên như Trần Văn Châu, Đặng Văn Thông, Nguyễn Bá Mậu, từ những năm 1950-1960... Tất cả đều đen-trắng. Nhiều ảnh cũ mờ vẫn cứ treo. Ảnh hữu danh làm thỏa tới cùng người xem rằng ai đã chụp được nó. Ảnh vô danh lại làm cái quá khứ của Đà Lạt hiện về huyền ảo, cảm giác mù xa hơn, thế giới ấy như không từng thật.
Những con đường đầu tiên được mở ra trên cao nguyên Langbian.
Hồ Cité Sant Bnoi (tức hồ Mê Linh) do Đặng Văn Thông chụp những năm 1950.
Bên quán cà phê cóc nằm gần Dalat Night Club xưa, vị trí ngày nào Khánh Ly hát và Trịnh Công Sơn hay đến nghe nhạc mình, lão nghệ sĩ nhiếp phong cảnh Đặng Văn Thông thường kể tôi nghe gần đây người ta hay tìm đến nhà ông ở trong Trại Hầm để mua ảnh Đà Lạt xưa về treo. Ông bảo không hiểu sao giờ nhiều người Đà Lạt đi tìm Đà Lạt xưa vậy. Họ nói với ông treo cho căn hộ mới cất, có người cho khách sạn, quán cà phê vừa mở, đi khánh thành nhà mới. Ông rằng đủng đỉnh kiếm 200-500-1triệu đồng cho mỗi bức ảnh đen trắng như thế. In mãi, mòn cả phim, mà cảm xúc về bức ảnh mỗi lần tác giả mang đi in vẫn rạo rực. Chỉ cần mang phim đi ra Mini Lab in lại là có tiền cà phê lai rai. Ông cũng có nghe đây đó người ta chụp lại ảnh của ông để mang đi rửa bán cho những chỗ cần treo “Đà Lạt xưa”. Có chỗ người ta để tên ông dưới ảnh, có chỗ không. Ông bảo tôi, “thôi kệ, miễn họ biết quí cái đẹp xưa của Đà Lạt đã hay, mừng rồi!”. Thời Đà Lạt còn mộng mơ nó đã làm nên tên tuổi Đặng Văn Thông với những bức hình nên thơ về một xứ sở. Với ông, mọi thứ ở Đà Lạt như chưa thành “hôm qua”, vàng son thơ mộng Đà Lạt chưa đi xa. Ông kể, nay có lần mang máy ra chụp lại những góc ảnh từng đứng, là thu vào máy mọi thứ biến đổi hoàn toàn, khung ảnh kia như chưa từng chụp ở đó, là một bức ảnh khác, về một xứ sở khác. Bậc trưởng thượng nổi tiếng làng nhiếp ảnh Đà Lạt này bảo phố núi ngày càng cạn kiệt vẻ mộng mơ, mỗi ngày càng rối tưng và nhố nhăng nên ông không muốn chụp nữa. Trong mắt ông nét thơ mộng của Đà Lạt ngày càng xa xỉ, dù đến giờ nền du lịch vẫn PR cho Đà Lạt về sự thơ mộng “như xưa” đó để sống. Du khách hình như cũng không muốn mất cảm giác về Đà Lạt như đã từng. Con người ta nhiều khi không phân biệt được giữa thật và ảo, quá khứ và hiện tại. Nhưng tôi lạ gì khối người lên Đà Lạt để mà ngồi đấy lôi cái “xưa” của nó ra để ngồi “nhậu” với cái “nay”.
Con người là một sinh vật nông nổi. Hung hăng đó mà yếu đuối đó. Cái đẹp nó “đánh” gục niềm kiêu hãnh, san bằng thực tại. Chỉ những bức ảnh đen trắng kia thôi mà làm mềm lòng họ. Chỉ đôi bức ảnh kia thôi mà kéo họ lùi về với lịch sử, với thuở ban đầu của một xứ sở mơ tưởng. Là dân phương đông, người Việt, với đặc trưng kiến trúc truyền thống là nhà trệt ba gian hai chái, nhưng họ vẫn mê say không gian sống kiểu Tây, rằng biệt thự, rừng thông, và hoa xứ lạnh Châu Âu. Họ thích Đà Lạt “sang” như Tây. Vì sao, vì hình như thiên nhiên lạnh Đà Lạt hợp với kiểu cách “Tây” đó. Và vì sao nữa, vì hình ảnh nhà và phố và đường sá rải ra như những nốt nhạc được viết hoàn hảo và có trách nhiệm với Mẹ thiên nhiên. Và sao nữa, là đô thị không hình thành mà như thả lỏng hết người ra, thuận theo tự nhiên, không chia theo kiểu bàn cờ. Là gì nữa, là thành phố thông minh xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ trước, phố trong rừng, rừng trong thành phố, “đô thị sinh thái” cái mà thế giới bây giờ đang xem là “triết lý” cho đô thị, mọi thành phố phải hướng đến, để con người có an lạc thật sự.
Chiếc xe hơi đầu tiên ở Đà Lạt.
Trường Lyceé Yersin một trong 1.000 công trình kiến trúc đẹp nhất thế kỷ 20
do Hiệp hội kiến trúc thế giới chọn và không gian hồ Xuân Hương.
So với Saigon, Hà Nội, Huế, thì Đà Lạt là thành phố nhỏ nhưng đố thị dân ở thành phố nào có suy nghĩ trong đầu người Đà Lạt là “người tỉnh lẻ”. Đà Lạt là trường hợp ngoại hạng. Nó ngoại hạng nhờ cốt cách “Pháp” toàn diện từ đầu của nó. Pháp là dân tộc bậc thầy thế giới về tổ chức không gian đô thị chạm vào cái tinh túy, văn minh phổ quát nhất. Nó ngoại hạng vì là thành phố duy nhất trên đất nước này có ngày sinh tháng đẻ rõ ràng người ta lấy ngày giờ ông Bác sĩ A.Yersin đặt chân tới nó và bàng hoàng trước thiên nhiên nơi này để rồi đề xuất xây dựng thành phố; là từ khi ra đời đến hình thành có đường hướng, tuân theo ý tưởng, có kịch bản, qui hoạch tử tế, chứ không phải như bao thành phố tỉnh lỵ ở Việt Nam là do quá trình quần cư mà hình thành. Khi lao vào tìm ký ức, chơi ảnh xưa, người phố núi không quên có vị Việt kiều từ Mỹ về mở cả một cuộc triển lãm ảnh Đà Lạt xưa ở một khách sạn 4 sao. Ông nghị sử học Dương Trung Quốc kia còn thay mặt mang cả một khối ảnh của một cơ quan trực thuộc Hội khoa học lịch sử Việt Nam sưu tập được về Đà Lạt thuở ban đầu vào để triển lãm dưới rừng thông Đà Lạt bữa nào. Ảnh đặt trên giá vẽ như tranh, với xung quanh là kiến trúc Pháp, hoa, gió, nắng, cùng cái lạnh của Đà Lạt. Dĩ nhiên người xem thì nườm nượp rồi. Họ chờ có thế mà.
Nào riêng người Đà Lạt đâu, Tiến sĩ nghệ thuật học Yến Chi, một người Hà Nội lập nghiệp ở Sài Gòn, cũng là người đóng vai Nam Phương Hoàng Hậu trong bộ phim “Ngọn nến hoàng cung”, hôm nọ rong chơi Đà Lạt cũng cố dạo quầy sách ở trung tâm phố núi để tìm cho được một tập sách ảnh về Đà Lạt xưa. Chị lật từng trang ngắm say đắm những góc cảnh Đà Lạt xa xưa, mà không để ý gì bạn bè ngồi chờ thừ cả người. Tôi hỏi chị sao không ngắm Đà Lạt nay bằng xương bằng thịt, đang “sống” sờ sờ ra đấy. Chị bảo: “ Nó không đẹp, lung tung, bừa bãi. Ngắm không sướng !”…
Yến Chi bảo yêu Đà Lạt vì “Xứ này vẫn cứ hay, và hiền!”. Thiên nhiên Đà Lạt quá vĩ đại đến độ dù hung bạo và dốt kém đến mấy thiên hạ cũng chưa đủ sức để làm xấu hết nó nhanh. Những giá trị đô thị, phẩm cốt “Tây” rơi rụng, hay khí hậu nóng dần vẫn không làm Chi hết say sưa Đà Lạt. Mà lên Đà Lạt, có chán nhìn hình hài phố ngày nay thì Chi vẫn còn tập ảnh Đà Lạt xưa vừa mua được.
Bà con phố núi kìa, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp cũng vừa mang một khối lượng ảnh đồ sộ về Đà Lạt sang để triển lãm cho bà con xem đó, ngay giữa trung tâm Hòa Bình. Chính quyền đương cục ta vừa trân trọng làm kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành. Họ cũng vừa sang Pháp mời chuyên gia người Pháp sang qui hoạch lại và định hướng tương lai phát triển cho Đà Lạt, vì như bạn tôi, Kiến trúc sư Trần Đức Lộc hiện đang nắm quy hoạch ở sở Xây dựng Lâm Đồng thì thành phố này chỉ duy nhất một con đường bản sắc là phải mang lấy cốt cách “Tây”, linh hồn như đã từng.
Có lần người bạn quí về nhà mới, tôi mang tặng bạn hai tấm ảnh, một “nay” và một “xưa”. Ba ngày sau ghé lại, chỉ còn bức ảnh Đà Lạt xưa là bạn để trên tường..
Nguyễn Hàng Tình
*Ảnh do tác giả cung cấp.