Tổ Hợp tác sản xuất hành, tỏi Mỹ Hòa: Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

(NTO) Thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) có 280 hộ sống bằng nghề trồng hành, tỏi và rau màu các loại. Theo khảo sát của Ban Phát triển xã, diện tích đất nông nghiệp ở thôn có 56 ha, tính ra mỗi hộ chỉ có vài ba sào. Tuy đất sản xuất hạn hẹp, nhưng bù lại thổ nhưỡng và khí hậu nắng gió ven biển đặc thù ở đây rất thích hợp cho trồng hành, tỏi.

Cây hành, tỏi trồng ở Mỹ Hòa cho củ to, chắc, mùi thơm nồng được nhiều người ưa dùng. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, nông dân tổ chức sản xuất quanh năm. Vào vụ Bấc (từ tháng 9 (ÂL) đến tháng Giêng năm sau) khi trời chuyển mùa mát dịu, nguồn nước ngầm dồi dào bà con trồng tỏi đạt sản lượng cao, khoảng 1,2 tấn/sào. Các tháng còn lại trong năm, bà con trồng tiếp 2 vụ hành, tính ra giá trị đơn vị sản xuất đạt rất cao, hơn 100 triệu đồng/sào, hộ trồng từ 2 đến 3 sào hành, tỏi đảm bảo cuộc sống ổn định.

 
Nông dân tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất hành, tỏi theo mô hình liên kết đảm bảo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm.

Lợi thế của trồng hành, tỏi là vậy, nhưng lâu nay trong sản xuất vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế do canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết khiến cho nông dân thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, chịu nhiều rủi ro. Để sản xuất hướng đến bền vững, năm 2010, Ban Phát triển xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất hành, tỏi Mỹ Hòa, gồm 90 hộ, với tổng diện tích sản xuất 30 ha. Vụ Bấc 2011-2012, Tổ được Dự án Hỗ trợ Tam nông hỗ trợ giống, đồng loạt sản xuất tập trung theo “quy trình sạch” để nâng cao chất lượng củ tỏi. Anh Đỗ Văn Luân, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, nên cuối vụ năng suất tỏi đạt 1,5 tấn/sào, cao hơn 3 tạ so với trước đây. Đặc biệt, qua giới thiệu của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông, toàn bộ sản lượng tỏi thu hoạch được trong vụ được Doanh nghiệp Tân Hồng Sơn bao tiêu, mang lại nhiều lợi ích cho hộ trồng.

Kể từ khi Tổ hợp tác đi vào hoạt động, sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực. Phát huy lợi thế của tự nhiên, Tổ tiến hành trao đổi, bàn bạc, thống nhất sản xuất hành, tỏi giống với số lượng lớn. Anh Nguyễn Liên, thành viên Tổ hợp tác cho biết: Trước đây tôi trồng tỏi thương phẩm chỉ bán được 60-70 đồng/kg, hiện nay sản xuất tỏi giống giá cao hơn 10%, thu lãi mỗi sào tăng thêm từ 5 -10 triệu đồng. Bước phát triển đáng chú ý của Tổ hợp tác sản xuất hành, tỏi Mỹ Hòa là đã phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Hoạt động ý nghĩa này đã cung cấp thông tin về sản phẩm tỏi chất lượng cao để các doanh nghiệp hợp tác sản xuất, theo phương châm “đôi bên đều có lợi”. Anh Đỗ Văn Luân, cho biết thêm: Bước “đột phá” trong hoạt động của Tổ hợp tác đó là bắt đầu từ vụ Bấc 2011-2012 đã liên kết với Doanh nghiệp Tân Hồng Sơn trong tiêu thụ sản phẩm. Không dừng lại đó, hoạt động liên kết đang được tiếp tục mở rộng, gần đây Tổ hợp tác cũng đã cung cấp sản phẩm hành, tỏi thường xuyên với số lượng lớn cho Cơ sở thu mua hàng nông sản Quang Ninh ở xã Nhơn Hải.

Từ tạo được mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nên “đầu ra” của mặt hàng hành, tỏi tương đối ổn định, khuyến khích các thành viên trong Tổ hợp tác an tâm đầu tư sản xuất theo hướng bền vững. Mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Tổ áp dụng đang được nhân rộng. Hiện nay, Tổ đang tiếp tục vận động thêm 70 hộ tham gia sản xuất hành, tỏi theo mô hình liên kết, nhằm tạo ra vùng chuyên canh cây trồng quy mô tập trung, lớn nhất khu vực với khoảng 40 ha.