Nông dân Phước Nam chủ động nguồn thức ăn cho gia súc mùa hạn

(NTO) Trước tình hình nắng hạn tiếp tục kéo dài, những hộ chăn nuôi ở xã Phước Nam (Thuận Nam) đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Từ cuối năm 2014 đến nay, gia đình anh Động Văn Luông, thôn Văn Lâm 4, đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ tự nhiên và rau muống trắng để làm thức ăn cho đàn gia súc. Trên 2 sào ruộng không đủ nước làm lúa, anh để cỏ mọc tự nhiên, rồi sử dụng giếng khoan bơm tưới, bón phân cho cỏ lên xanh tốt.

Nông dân Phước Nam trồng cỏ tự nhiên làm thức ăn cho gia súc.

Anh cùng nhiều hộ khác còn đi lấy cỏ tây, một loại cỏ tự nhiên thường mọc ở bờ sông, mương nước đem về trồng. Nhờ được chăm sóc tốt, giống cỏ này phát triển mạnh có thể mọc lan thành thảm lớn, là thức ăn ưa thích dành cho bò, cừu. Anh Luông cho biết: Hiện tại, gia đình anh đang cố gắng duy trì đàn cừu 150 con và 15 con bò. Bên cạnh trồng rau, cỏ, anh còn bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua rơm khô về dự trữ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong những tháng mùa khô. Không chịu “bó tay” trước mùa nắng hạn, ông Hùng Do, thôn Văn Lâm 3, cũng chi 8 triệu đồng mua ống nhựa, máy bơm nước để lấy nước giếng tưới cho hơn 3 sào bắp. Ông trồng bắp xen đậu xanh, chủ yếu lấy thân và lá làm thức ăn cho đàn gia súc mùa hạn.

Anh Kiều Thanh Điệp, cán bộ Nông nghiệp xã Phước Nam, cho biết: Đàn gia súc có sừng toàn xã hiện có 5.120 con bò và 23.530 con dê, cừu. Do thời tiết khô hạn kéo dài, đàn gia súc đang đứng trước nguy cơ thiếu nước và cạn kiệt nguồn thức ăn. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã kịp thời thông báo cho nhân dân di dời đàn gia súc đến nơi có nước, nhất là ở khu vực sông Lu, hồ đập; vận động bà con chủ động trồng cỏ, trồng bắp, tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, nông dân trong xã trồng được khoảng 40ha cỏ các loại, nhiều nhất là cỏ voi.

Về Phước Nam trong những ngày này, chúng tôi nhận ra rằng ở bất cứ nơi nào còn nguồn nước thì nông dân đều không quản khó nhọc tìm cách để duy trì sản xuất, quyết tâm “vực” đàn gia súc vượt qua mùa hạn.