Hướng phát triển chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020

(NTO) Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập chung, nâng cao được sức cạnh tranh của mặt hàng thực phẩm. Để đạt mục tiêu, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó yêu cầu chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo nguồn thức ăn là rất cần thiết.

Quan điểm chung về tái cơ cấu là tập trung phát triển những sản phẩm có tiềm năng và lợi thế (bò, dê, cừu) theo hướng trang trại gắn với đồng cỏ; đồng thời, tận dụng các nguồn thức ăn trong tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp để chế biến làm thức ăn cho đàn gia súc. Đề án chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đàn theo hướng chiều sâu để tăng trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ xẻ thịt và chất lượng thịt. Cụ thể, về nuôi bò quy mô tổng đàn 125.000 con hiện nay, sẽ tăng lên 140.000 con vào năm 2020. Để đạt trọng lượng xuất chuồng 225-230kg/con vào năm 2020, giải pháp đẩy mạnh chương trình bò lai sind được đặt lên hàng đầu.

 
Chăn nuôi cừu ở tỉnh ta đang phát triển mạnh theo hướng trang trại gắn với đồng cỏ.

Riêng dê, cừu, với lợi thế đầu tư ban đầu thấp, sinh sản nhanh, thịt là sản phẩm đặc trưng lợi thế của tỉnh, có thị trường tiêu thụ rộng, do đó đề án đặt ra kỳ vọng lớn, tập trung mở rộng quy mô đàn từ 75.000 con hiện nay lên 100.000 con vào năm 2020. Với sự giúp đỡ trực tiếp về con giống dê bách thảo, kỹ thuật chăn nuôi của Trại giống dê, thỏ Thuận Bắc (Viện Chăn nuôi), đề án xác định đầu tư phát triển dê sữa cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng phục vụ trực tiếp sẽ đưa lại nguồn thu nhập thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống cho hộ chăn nuôi. Hiện nay, quy mô đàn dê sữa đạt khoảng 7.000 con, với đà đang phát triển mạnh, dự báo đến năm 2020 tăng lên 20.000 con, sản lượng sữa 300lít/năm/con sẽ cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào cho thị trường trong tỉnh và các khu vực lân cận.

Để thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020 theo lộ trình trên, vấn đề đặt ra là phải quy hoạch vùng trồng cỏ và các nguồn thức ăn khác đảm bảo cho đàn gia súc phát triển. Theo tính toán của các nhà nông học, định mức bình quân nhu cầu thức ăn thô xanh cho 1 con bò là 27 kg/ngày; dê, cừu từ 4,5-5kg/ngày, thì khả năng sản xuất có thể đảm bảo đủ cho đàn gia súc. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu nắng nóng quanh năm như ở tỉnh ta, vào mùa khô, hạn chế thức ăn hơn so với nhu cầu (thiếu 131.000 tấn), trong khi đó mùa mưa khả năng cung cấp dồi dào hơn (thừa 133.000 tấn), do đó cần có biện pháp dự trữ, bảo quản, chế biến để cung cấp thức ăn cho đàn gia súc vào mùa khô.

Kết quả khảo sát của ngành Nông nghiệp, các nguồn thức ăn tự nhiên và sản phẩm phụ trồng trọt bao gồm thức ăn dưới tán rừng, rơm rạ, ngọn mía, thân bắp, thân các loại cây họ đậu… sản lượng hằng năm 670-680 ngàn tấn, đáp ứng được từ 34-35 % nhu cầu. Số thức ăn còn lại, các trang trại, hộ chăn nuôi bố trí và tận dụng đất đai ở những vùng có độ ẩm, có nguồn nước (hồ, đập, ven suối) để trồng cỏ. Chú trọng sử dụng giống cỏ voi (VA 6) năng suất cao, giàu dinh dưỡng, đầu tư thâm canh để đạt năng suất từ 440-450 tấn/ha/năm. Đến năm 2020, khi đã bố trí được khoảng 2,8 ngàn ha trồng cỏ với hình thức phân tán theo từng hộ nuôi, phù hợp với số lượng gia súc, sản lượng cỏ hằng năm đạt 1.250-1.260 ngàn tấn, đáp ứng 65% nhu cầu.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Do có định hướng rõ ràng, nên chăn nuôi trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ bò lai sind đạt 38%; đàn dê, cừu lai cũng đã đạt tỷ lệ trên 50%, đến năm 2020 tăng lên trên 70%. Tốc độ tăng đàn và trọng lượng xuất chuồng cũng tăng dần theo từng năm là tín hiệu đáng mừng đối với chăn nuôi gia súc có sừng. Đáng kể nữa là, nông dân đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi linh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên từng khu vực. Ở các huyện miền núi như Ninh Sơn, Bác Ái… hộ nuôi tận dụng khoảng 35-40 ngàn ha đất rừng làm nơi chăn thả, phát triển các trang trại bò quy mô 100-200 con, dê cừu quy mô hàng ngàn con. Ở vùng đồng bằng, nông dân dùng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi có hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm nguồn thức ăn quanh năm cho gia súc. Với diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 75.000ha, nông dân đã tận dụng được khoảng 230 ngàn tấn phụ phẩm để cung cấp trực tiếp và chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc, đáp ứng khoảng 11-12% nhu cầu. Cùng với đó là xu thế chuyển đổi đất màu sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho gia súc đang phát triển rộng khắp. Bằng sự linh hoạt, ứng dụng nhiều mô hình mới, như trang trại, gia trại; nuôi dê, cừu dưới vườn nho, táo; nuôi bò vỗ béo… đã dần đưa chăn nuôi gia súc trở thành ngành sản xuất chính.

Từ kết quả đạt được cho thấy, Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tạo được sự đột phá mạnh mẽ, vực dậy tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng là có cơ sở.