Theo Hội Nông dân xã Phước Dinh, toàn xã có 167 hộ trồng rong sụn với diện tích 28ha (tập trung ở 2 thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2). Năm 2012, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ cho mỗi hộ vay 20 triệu đồng mở rộng vùng sản xuất, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo môi trường sinh thái biển.
Trồng rong sụn trong lồng lưới theo phương pháp mới, nông dân phải làm giàn căng có cột một chuỗi dây phao, nhằm giữ cây rong luôn ở vị trí nằm gần mặt nước để nhờ sự dao động của sóng bề mặt, giúp “tẩy” và “thổi” các tạp chất hoặc các loại ký sinh biển không bám được vào thân, để thân cây luôn sạch, giữ màu sắc trong quá trình tăng trưởng. Cùng với đó, dùng lưới bao quanh giàn căng để phòng ngừa các loại cá gần bờ ăn rong, đảm bảo năng suất. Thường thì mỗi năm nông dân trồng 2 vụ: Vụ chính từ tháng 4 đến tháng 8, vụ phụ từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Sau khi thu hoạch, giá rong sụn khô, sạch được thương lái mua từ 40-50 ngàn đồng/kg nên thu nhập người trồng ngày càng nâng cao.
Rong sụn sau khi thu hoạch được người dân thôn Sơn Hải 2 phơi khô để cung ứng cho thị trường.
Ông Diệp Nghĩa Đẩu, thôn Sơn Hải 2, phấn khởi: Mùa vừa rồi, tôi trồng 2 sào rong sụn, sau 4 tháng chăm sóc, thu hoạch, trừ các khoản chi phí, lãi trên 40 triệu đồng. Cuộc sống gia đình khá hơn nhiều.
Hiện nay, mô hình “Nuôi trồng song sụn bảo đảm môi trường sinh thái” có 25 hộ tham gia. Các hộ luôn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây rong phát triển tốt và không bị dịch bệnh. Bình quân một tấn rong giống, nông dân thu hoạch từ 50-60 tấn rong tươi. Nhiều hộ cho biết, trồng rong sụn trong lồng lưới hạn chế được các loại cá sinh sống gần bờ cắn phá, ngăn được các đợt sóng mạnh đánh gãy cành rong, giảm thất thoát. Đến nay, có thể khẳng định, cây rong đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên những năm gần đây, do việc phát triển diện tích trồng tự phát, không tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, cùng với nguồn nước nơi đây đang bị ô nhiễm từ các hệ thống xả nước sinh hoạt của người dân và sự xuất hiện nhiều đàn cá dò ngoài biển vào cắn phá rong, nên nguy cơ tăng dịch bệnh và ảnh hưởng đến năng suất rất cao. Nhiều hộ cho biết, môi trường ô nhiễm, làm cho cây rong thường bị “nhũn” thân, thối rữa, trôi dạt khắp mặt biển.
Ông Ngô Xuân Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Để giảm bớt khả năng thất thu khi nuôi trồng rong sụn, xã đã khuyến cáo các hộ nuôi nên bám theo lịch mùa vụ, vệ sinh khu vực nuôi trồng trước khi thả giống, áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật vào nuôi trồng… Có như vậy, mới hạn chế được rủi ro khi trồng và đảm bảo môi trường sinh thái biển.
Phan Hiếu