(NTO) Gần đây báo chí tiếp tục đề cập đến “căn bệnh trầm kha” trong sản xuất nông nghiệp, đó là “được mùa thì mất giá” thậm chí có tình trạng “mất mùa” nhưng giá cũng mất, dẫn đến thua lỗ cho người sản xuất đồng thời tác động không nhỏ đến đời sống và sự phát triển chung của ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương. “Nhãn tiền” là thừa lúa hàng hóa vụ Đông-Xuân ở đồng bằng Sông Cửu Long, dưa hấu bán rẻ như cho nhưng cũng không chạy ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), trái cây từ ổi đến xoài và mới đây là vải thiều, thanh long… có thời điểm không tiêu thụ được nên một số nông dân “bức xúc” phải đốn bỏ để tìm cây trồng khác thay thế...
Nông dân xã Tri Hải (Ninh Hải) thu hoạch muối trải bạt. Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với tỉnh ta có thời điểm táo xanh, muối... sản xuất hàng loạt, được mùa, sản lượng cao nhưng tiêu thụ không những chậm mà còn rớt giá quá mức, riêng muối rớt giá đến 3/4 so với thời điểm “thịnh” đối với muối thường và giảm 1/3 so với muối áp dụng công nghệ trải bạt.
Trước thực trạng trên, có một số ý kiến “trách” cơ quan chủ quản thiếu “tầm nhìn” quy hoạch phát triển, không tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Ngay cả lúa gạo thị trường xuất khẩu ngày càng khó trong đó có yếu tố cạnh tranh về giá, phẩm cấp với một số quốc gia... Tuy nhiên, nhìn trong phạm vi “hẹp” ở từng vùng, miền thì rõ ràng tình trạng sản xuất tự phát chạy theo nhu cầu tiêu thụ ngắn hạn còn rất phổ biến mà không chú ý đến cân đối cung cầu. Hậu quả là sản phẩm nào bán chạy ở một thời điểm thì coi như nông dân tập trung vào sản xuất. Như chuyện trái cây trái vụ do có quá nhiều nhà vườn làm theo đã biến từ “đặc sản” thành “thường sản”, vậy là “cung” vượt “cầu”. Mặt khác, không ít nông hộ chưa chú trọng đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vừa tăng năng suất, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường theo hướng đạt chất lượng sản phẩm sạch nên chi phí “đầu vào” còn cao ngược lại cả năng suất, chất lượng sản phẩm đều thấp... nên lợi nhuận đạt không như mong muốn. Chẳng đâu xa, cũng trên cánh đồng muối sản xuất theo quy trình trải bạt tuy đầu tư cao nhưng hiệu quả cũng tương ứng, đó là giá cao gấp 3 lần so với “muối đất”, lại dễ tiêu thụ.
“Hãy để nông dân suy nghĩ trên luống cày của mình” là cần thiết nhưng yếu tố quyết định hiệu quả là phải gia nhập thị trường trên cơ sở liên kết sản xuất, nếu chỉ “đơn thân độc mã”, sản xuất theo kiểu cung cấp thị trường những gì mình có mà bỏ qua nhu cầu thị trường đang cần thì không làm sao thoát khỏi “vòng kim cô” được mùa, mất mùa gì cũng đều rớt giá do “cung” và “cầu” không gặp nhau. Vậy nên “tiên trách kỷ”, nghĩa là nhà nông cần xem xét điều kiện hiện có, tham khảo nhu cầu thị trường, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, nguồn vốn…để quyết định sản xuất cây trồng có hiệu quả. Mặt khác ngành chức năng liên quan cần hổ trợ nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tuấn Dũng