Nông dân Xuân Hải liên kết trồng nho sạch

(NTO) Nhằm thay đổi phương thức canh tác để đảm bảo an toàn, hiệu quả, nâng cao năng suất và giá trị của cây nho, đầu năm 2014, nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) liên kết nhau thành lập 4 tổ, với 45 hộ trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Xuân Hải có trên 70ha nho, những năm trước đây, người trồng nho trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống. Do vậy, sản lượng và chất lượng nho đạt thấp. Dựa vào lợi thế địa phương, sau khi tìm hiểu, nắm bắt tình hình tiêu thụ ngày càng cao của thị trường và được sự hướng dẫn của UBND xã, 45 hộ trồng nho (với tổng diện tích trên 50ha) đã thống nhất thành lập các tổ trồng nho sạch.

Việc liên kết trồng nho sạch giữa các hộ nông dân xã Xuân Hải mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, các hộ sẽ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... Qua các vụ sản xuất cho thấy, việc liên kết giữa các thành viên trong quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.

Điển hình như hộ ông Đào Mạnh Tiệp, ở thôn Thành Sơn, sau khi được tập huấn “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” do ngành Nông nghiệp triển khai, ông cùng các thành viên trong tổ quyết định chuyển trồng nho theo phương thức truyền thống sang quy trình trồng nho sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ đầu tiên, gia đình ông thử nghiệm trên diện tích 3 sào, với giống nho xanh NH 01-48, thu lãi trên 300 triệu đồng. Thấy được hiệu quả, đến nay, ông mở rộng diện tích lên 1ha. Hay anh Lương Công Minh, ở thôn An Xuân 2, hiện nho xanh sản xuất theo quy trình sạch được bán với giá 35.000 đồng/kg, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/sào, cao hơn 1,2 lần so với cách làm truyền thống. Với diện tích 3 sào trồng nho, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 250 triệu đồng/vụ.

Ngoài sự thành công của 2 hộ trên, trên địa bàn xã còn có nhiều hộ trồng nho theo sự liên kết này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hộ ông Nguyễn Hữu Tiến (thôn Thành Sơn), anh Nguyễn Thanh Tùng (thôn An Xuân 1)...

Qua thực tế, từ sự liên kết giúp đỡ lẫn nhau, các thành viên trong tổ đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, năng suất nho của các hộ trồng cũng đạt cao hơn, giữa các hộ có sự gắn bó, đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm về cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao hợp lý, an toàn và hướng dẫn quy trình kiểm định sản phẩm trước khi thu hoạch. Bên cạnh đó, từng thành viên trong tổ còn tìm hiểu tình hình sản xuất, nắm bắt giá cả thị trường, thông tin với nhau, tránh tình trạng tư thương ép giá...

Ông Võ Thành Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hải, cho biết: Có thể nói, từ sự liên kết này đã giúp nông dân hình thành được quy trình sản xuất ở tất cả các khâu, từ làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm khi đưa ra thị trường đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng. Đây là hình thức hợp tác có hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của những hộ tham gia.