Lâm Sơn: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo

(NTO) Xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) có 10 thôn với 3.168 hộ/13.411 khẩu, đồng bào dân tộc K’ho, Raglai chiếm 40% dân số. Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được địa phương quan tâm, triển khai với nhiều biện pháp thiết thực và hiệu quả, do vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân.

 
Nông dân xã Lâm Sơn chuyển đổi vườn tạp trồng các loại cây ăn trái đặc sản cho thu nhập cao.

Bằng việc lồng ghép xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho bà con, đến nay trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình kinh tế bước đầu cho hiệu quả như trồng cây ăn quả (mít, chôm chôm, sầu riêng...); mô hình trồng chuối, bắp lai, thâm canh cây mía, mì; mô hình nuôi bò, dê, cừu… Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng hằng năm là 3.988 ha. Trong đó, diện tích lúa 1.581 ha đang được chuyển đổi sang trồng các loại giống lúa mới ML284, TH41, TH6…và áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất, cho năng suất đạt bình quân 58 tạ/ha/vụ. Đối với cây mía, mì đã vận động bà con đưa các loại giống mới cho năng suất cao thay thế các giống địa phương. Với giống mía KM88-92, DLM24 cho thu hoạch đạt năng suất trên 100 tấn/ha; giống mì KM 94, KM228 năng suất bình quân đạt 28 tấn/ha. Hiện hai loại cây trồng này đang được bà con liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đối với cây ăn quả, xã đã vận động chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả đặc sản theo hướng thâm canh. Để định hướng cho người dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập, địa phương đã quy hoạch được vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích 200 ha, cây mía, mì gần 400 ha ở thôn Lập Lá và 4 vùng sản xuất lúa.

Nhờ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng các mô hình sản xuất mới trong sản sản xuất, đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Anh Nguyễn Ngọc Cường, thôn Lâm Phú, cho biết: “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn gia đình tôi đã biết chọn các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Với 1 ha đất rẫy trước đây, trồng bắp địa phương năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha. Nên gia đình đã chuyển sang trồng bắp lai và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc nên cho năng suất đạt 5 tấn/ha.

Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tăng đàn gia súc, gia cầm cũng được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã có trên 14.000 con; trong đó, đàn trâu, bò 1.245 con; dê, cừu 328 con…đã tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho các hộ.

Thông qua Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 cho hộ đồng bào dân tộc với tổng kinh phí 400 triệu đồng để mua trâu, bò…phục vụ sản xuất. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có vốn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, các ban, ngành đã đứng ra tín chấp cho các hộ vay đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ gần 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phối hợp các ngành, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho bà con; cử cán bộ xuống địa bàn thôn hướng dẫn bà con cách làm kinh tế, sử vụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và sự phấn đấu vươn lên của nhân dân, công tác giảm nghèo tại xã Lâm Sơn đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trung bình mỗi năm giảm trên 4% từ 35,30% (năm 2010) giảm xuống còn 17,3% vào đầu năm 2015.