CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Vẫn phải “cảnh giác” với hạn hán!

(NTO) Mới qua mấy cơn mưa “đầu mùa” chỉ đủ làm mát chút đỉnh so với cái nóng gay gắt sau nhiều tháng dài nắng hạn trên diện rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh chứ chưa có gì gọi là đã “thấm đất”!.

Vậy mà một số anh bạn của tôi, “đồng hương” Ninh Thuận có, đồng nghiệp có; cả những người quen biết từ một số tỉnh, thành và ở Thủ đô Hà Nội cũng gọi điện chia sẻ và mừng chung cho tỉnh nhà đã có... mưa. Quả thật, trong thời đại bùng nổ thông tin, “thế giới phẳng” này thông tin nhanh như... điện, có khi mình là người tại chỗ chưa tường thì ngược lại người ở phương trời nào xa lắc lại biết thông qua kênh báo chí mạng, hay Facebook... Như thông tin mưa... “giải hạn”, tôi-người tại chỗ-chưa “cập nhật” hết thì bè bạn đã gọi điện “chúc mừng” như là một lời chia sẻ trước những gian khó mà nhiều người dân trong tỉnh đã trải qua “mùa hạn” gay gắt trong vòng 10 năm trở lại đây.

Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) chăm sóc lúa vụ hè thu 2015 chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Bắc.
Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, hạn hán đã làm thiệt hại đáng kể về sản xuất cho hàng ngàn nông hộ, nhất là ở những vùng hoàn toàn dựa vào nguồn nước tích được từ các hồ, đập thủy lợi. Một số người cho rằng, nếu như không có hệ thống thủy điện Đa Nhim đưa nước từ Hồ Đơn Dương xuống kênh Chính Nam, Chính Bắc… để tưới chủ động cho hàng chục ngàn ha đất... thì có lẽ hậu quả của hạn hán là không thể tính toán được!. Tính đến vụ hè-thu này, nắng hạn đã làm cho trên 16.000 ha phải ngừng sản xuất, có nhiều nơi mất 4 vụ liền không trồng được cây gì, nắng làm cho đất ruộng trở nên bạc màu, thậm chí không còn gốc rạ để “trơ” do đàn gia súc thiếu thức ăn nên nhổ cả gốc!. Nắng hạn cũng làm cho một số bò, dê, cừu vốn dĩ là “cơ nghiệp” của nhà nông bị chết!. Khó khăn chồng lên khó khăn nhưng điều đáng quý đó là bà con không ỷ lại, không dựa dẫm... mà tự mình “cứu lấy mình” bằng nhiều cách làm sáng tạo để “chống trời”, “thi gan” với hạn hán. Cũng có thể nói rằng, chính từ “đối đầu” với nắng hạn mà nhiều nông hộ càng thấm thía hơn chuyện chuyển đổi cây trồng từ sử dụng nhiều nước, lãng phí như cây lúa sang các cây trồng vừa chịu hạn, vừa ít sử dụng nước nhưng cho hiệu quả kinh tế khá cao. Không những vậy việc ứng dụng kỹ thuật tưới cho cây trồng như tưới nhỏ giọt, tưới phun qua đầu, tưới “nông-lộ-phơi”... vừa tiết kiệm nước, chi phí, vừa giảm sức lao động do kết hợp tưới với bón phân giúp làm giảm lượng phân đáng kể so với cách rải truyền thống... Nếu trước đây phải vận động bà con thực hiện các mô hình nói trên thì nay nhiều nông hộ tự giác đầu tư bởi đã thấy quá rõ hiệu quả!. Hóa ra, tuyên truyền cần gắn với thực tiễn cụ thể thì sức thuyết phục mới cao, hay nói một cách chân chất như một số bà con chúng tôi có dịp tiếp xúc là “thấy mới tin”!. Nông dân mình là vậy đó.

Cảm ơn những người bạn của tôi đã dành những tình cảm tốt đẹp cho người dân trong tỉnh nói chung và vùng chịu hạn nói riêng thông qua sự quan tâm, chia sẻ. Theo dự báo của ngành chức năng hạn hán có khả năng còn tiếp diễn và kéo dài đến tháng 9/2015-nghĩa là bà con phải chờ đến vụ mùa mới hy vọng “tái” sản xuất. Tuy nhiên, từ thực tế chỉ mới qua vài cơn mưa thì đã có một số nông hộ “sốt ruột” vội gieo trồng...đón mưa mà không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, rất dễ dẫn đến mất trắng, gây thiệt hại thêm về kinh tế. Mong rằng bà con tiếp tục “cảnh giác” với thời tiết và cũng mong ngành chức năng cần nhanh chóng đưa ra khuyến cáo cụ thể sản xuất cho bà con.