Cơm rượu được chế biến từ cơm nếp nấu chín ủ với men. Theo phong tục xưa, người ta thường ăn cơm rượu vào dịp Tết Đoan ngọ để “diệt sâu bọ”. Ngày nay cơm rượu có thể ăn quanh năm, nó không những giúp kích thích tiêu hóa tốt mà còn có khả năng cải thiện làn da cho phái đẹp.
Ảnh minh họa.
Làm cơm rượu trước hết phải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là khâu lựa nguyên liệu. Nếp làm cơm rượu phải không quá mới cũng không quá cũ. Nếp mới làm ra cơm rượu hương vị sẽ không nồng, nếp cũ thì mùi vị nhạt. Men ủ cũng quan trọng không kém. Viên men làm cơm rượu là loại men ngọt. Để làm ra cơm rượu ngon, mùi vị ngọt ngào, mỗi người đều có bí quyết riêng, vì thế người ta chọn mua men ở một cửa hàng quen, để đảm bảo cơm rượu làm ra không bị hỏng. Thông thường ta sử dụng chừng từ 3-5 viên men cho một ký nếp.
Cách làm: Nếp vo sạch, ngâm vài giờ rồi đem nấu như xôi, hạt xôi phải nở mềm để khi ủ không bị sượng. Xôi nấu xong xới ra nia, còn hơi ấm, rắc men lên. Nếu xôi nóng quá men sẽ bị chết, nhưng nguội quá lại bị hỏng. Men phải giã nhuyễn và phải rắc đều tay. Cuối cùng cho xôi vào hũ đất, sành sứ hay thủy tinh đem ủ ấm. Tùy chất lượng men, sau vài ba hôm, rượu sẽ dậy mùi, mở nắp ra thơm lừng cả góc nhà. Múc bớt nước cơm rượu ra đổ vào chai để dành trong nhà phòng khi ăn không tiêu, hoặc khi đau bụng uống rất hiệu nghiệm...
Thùy trang