Ngâm gạo với nước vôi hoặc nước tro trong một đêm cho hạt gạo nở mềm, sáng hôm sau mới xay gạo thành bột mịn và sau đó lược qua rây cho sạch tạp chất.
Ảnh minh họa.
Bột gạo được lấy trùng (thêm nước) thật khéo. Đây là công việc đòi hỏi sự tinh tế mà chỉ có những người nội trợ giàu kinh nghiệm mới làm được. Lượng nước phải vừa đủ để bánh đạt được độ dai nhưng vẫn mềm mại, thơm ngon nhất. Cho bột vào nồi có tráng một lớp dầu phộng chống dính, nấu lửa vừa phải và khuấy đều tay để bột không bị vón, không dính nồi và không bị cháy. Bỏ thêm một ít nước lá dứa đã được xay nhuyễn và lọc lại để bánh có mùi thơm và màu sắc đẹp hơn. Khi bột chín sẽ đặc sệt lại, mịn màng, mướt rượt và thoang thoảng hương thơm của mùi gạo mới.
Cuối cùng, đổ bột vào những chiếc mẹt tre cao chừng 3-4 xen-ti-mét, bên trong có lót tấm lá chuối thoa một lớp dầu ăn, nhằm cho khỏi dính khi ta xắt ra từng miếng nhỏ. Bột khi nguội sẽ kết thành một khối lớn, dân gian thường gọi là bánh đúc. Ăn bánh đúc phải có tóp mỡ phi với hành lá xắt nhỏ thì mới tuyệt.
Khi ăn, bánh đúc được cắt thành từng miếng vừa ăn, cho vào đĩa, rưới mỡ hành lên trên, chấm mắm nêm pha thật khéo từ mắm cái cá cơm còn nguyên con hoặc với nước mắm chanh ớt thật cay. Màu xanh non bắt mắt kèm theo vị dai dai pha lẫn trong sự mềm mại, mượt mà của bánh quyện với vị béo ngậy thơm ngon của mỡ hành; đậm đà, cay nồng của mắm nêm; thoang thoảng mùi lá dứa loang vào cả khứu giác. Tuy bình dị, dân dã thôi mà ngon đến tận vô cùng!
Thùy Trang