Nguyên liệu cần có gồm: 1 con vịt chạy đồng ( vịt cỏ) thật lớn; 1 củ khoai môn; 1 bó rau muống; 1 hủ chao nhỏ ( đỏ hay trắng đều được, nhưng phải là chao cũ thì mới ngon); 1 trái dừa xiêm tươi dùng để lấy nước; 1 kg bún tươi; Gừng, tỏi, ớt… cùng 1 số gia vị nêm nếm khác.
Cách chế biến: Vịt làm sạch. Băm gừng nhuyễn và 1 ít rượu trắng trộn đều, chà sát vào toàn bộ da vịt để khử mùi đặc trưng của vịt. Sau đó, rửa sạch vịt một lần nữa rồi chặt vịt ra thành từng miếng vừa đủ ăn. Cho vào 3 muỗng cafe nước mắm, 10 miếng chao nhỏ, 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe bột ngọt, 1 nhánh gừng nhỏ băm, 1 ít hành, tỏi và ớt băm, tất cả trộn đều và ướp để cho thịt vịt thấm.
Cho 4 muỗng canh dầu vào nồi, bỏ hành, tỏi vào phi cho thơm, xong bỏ thịt vịt vào đảo đều cho săn thịt lại mới đổ nước dừa cho ngập phần thịt đó. Khi nước rút dần thì phải châm thêm nước, đảm bảo thịt phải ngập nước để không bị khô và đen thịt. Vịt vừa mềm tới mới bỏ khoai môn vào, để sôi thêm lần nữa rồi vặn lửa nhỏ khoảng 30 phút, dùng đũa xiên thử khoai thấy chín mềm và hơi sền sệt nước. Bạn nêm nếm lại lần cuối cho vừa theo khẩu vị của mình là được.
Cách làm nước chấm: Cho 4 miếng chao vào chén, sau đó cắt nửa trái chanh lấy nước, cho 2 muỗng cafe đường vào đánh tan cho đều, thêm tỏi và ớt bằm vào (mặn, ngọt, chua, cay các bạn có thể thêm bớt tùy thích sao cho vừa khẩu vị của mình là được).
Mùi thơm của chao tan trong vị béo ngậy của thịt vịt, một chút cay cay của gừng, của ớt hòa lẫn trong chất ngọt, bùi của khoai môn… càng cho món ăn thêm nhiều thi vị. Món này phải ăn nóng như món lẩu mới ngon, vì vậy bạn phải bắc qua một bếp gas hoặc bếp cồn nhỏ. Bỏ bún tươi vào chén, chan một ít vịt nấu chao nóng hổi, thơm lừng vào là bạn có thể tùy nghi thưởng thức. Cả nhà quây quần bên nhau vào những dịp cuối tuần với món vịt nấu chao thì còn gì hơn thế nữa?
Thùy Trang