Bánh quai vạc được làm từ bột mì tinh (bột mì lọc) pha thêm bột năng. Nó có hai dạng phổ biến là bánh quai vạc trần và bánh quai vạc chiên. Bánh quai vạc trần có đặc tính thật dai và thật nhỏ, điều này trở thành một trong những điển hình của loại bánh khéo, nghĩa là loại bánh đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và thật khéo tay. Cái khéo léo ở đây là bột bánh phải được nhồi nặn cho thật nhuyễn giữa 2 loại bột trên, để khi cắt bánh làm đôi có thể thấy từng lớp bột mỏng nằm chồng xếp lên nhau.
Ảnh minh họa.
Cách làm như sau: Việc đầu tiên thực hiện là chế nước sôi lấy trùng cho bột vừa chín tới và nhồi bột đến khi mềm dẻo, cắt từng phân nhỏ sau đó cán mỏng tạo nên miếng vỏ bột tròn đều.
Đậu xanh hấp chín, đánh tơi; tôm, thịt ba chỉ xắt nhỏ trộn chung với nấm mèo thái chỉ; cho ít muối, tiêu, đường, bột ngọt tất cả đem xào chín. Lấy từng vỏ bột cán mỏng sẵn, gắp nhân bỏ vào giữa rồi gấp đôi lại từng chiếc bánh thành hình bán nguyệt, vuốt đường viền xung quanh thật khít. Cho thành phẩm vào nồi nước sôi có bỏ chút dầu ăn để luộc lần nữa, khi bột trong là bánh đã chín và nổi trên mặt nước, ta thấy cả nhân bên trong. Sau đó, vớt ra rổ để ráo nước rồi sắp từng lớp trong xoong có rưới mỡ hành nhằm cho bánh không bị dính vào nhau.
Nước chấm dùng với bánh quai vạc là nước mắm chua ngọt và thật cay. Trước khi ăn, người ta còn rắc ít hành tím phi vàng và tóp mỡ lên trên bánh, trước khi chan nước mắm, nên trông đĩa bánh cực kỳ bắt mắt và muốn thưởng thức ngay tức khắc.
Bánh quai vạc ăn rất ngon và dễ tìm, khách du lịch ở thành phố biển này có thể tìm thấy món bánh quai vạc bình dân từ những quán cóc nhỏ ven đường, hay từ các chợ quê. Bánh quai vạc từ hình thức đến hương vị đều khá giản dị, nhưng trong sự giản dị ấy có đủ vị đậm đà, dẻo dai, thơm bùi của xứ biển tươi đẹp đầy thân tình và hiếu khách.
Thùy Trang