Hoa hồng dịu dàng: Nếu như không có gai nhọn, tôi đâu còn được gọi là hoa hồng, tôi sẽ như bông cúc mong manh, bông thược dược yếu ớt mà chẳng có sức sống và vẻ đẹp được; những chiếc gai làm cho hoa hồng trở nên sắc sảo, không sợ bị bắt nạt, nó như vũ khí đặc biệt mà Thượng đế đã dành riêng cho hoa hồng. Và không phải ngẫu nhiên nhân loại chọn hoa hồng làm biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, nhưng “Hoa hồng có gai” ra sao?
Chuyện “Hoa hồng xanh - Cô gái mở đường”
Tháng 2 năm 1975, đang học lớp 10 (hệ 10/10), theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước tôi tình nguyện vào bộ đội. Chưa tham gia trận chiến nào đất nước đã hoàn toàn giải phóng, tôi về đại đội thanh niên xung phong làm đường Hồ Chí Minh khu vực khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị) và huyện Hướng Hoá (Thừa Thiên Huế). Đơn vị có khoảng trên 100 nữ, nhập ngũ năm 1971, 1972, người mới nhất là 1973 còn lính 75 “học trò” chúng tôi chưa đầy 10 người. May mắn nhờ vậy, tôi biết được chuyện bằng chiếc cuốc chim, cây xà beng các chị đã “bạt đồi, xẻ núi”, phá đá mở đường Trường Sơn cho xe tiến thẳng chiến trường; Chuyện đánh nhau với biệt kích Mỹ, Ngụy bảo vệ ngầm 93 (km93) trên thượng nguồn sông Dakrong cho các đoàn quân ngày đêm tiến về giải phóng Sài Gòn. Nắng lửa Trường Sơn cùng những đợt gió Lào làm khô, cháy da người, ăn rau tàu bay với măng rừng vẫn gồng mình vác từng hòn đá hộc, bao xi măng lên đỉnh đèo làm đường, rồi biệt kích địch rình rập… Gian khổ, hy sinh là vậy các chị không sợ nhưng lo sợ những trận sốt rét rừng như cơm bữa. Bởi vì nó mà vẻ đẹp “nhất dáng, nhì da” của người con gái Việt Nam ở các chị đã chuyển thành “da xanh màu lá”. Sau này chuyển ngành làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước, có dịp được nghe lời hát “…cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn, bàn tay em phá đá mở đường..”, tôi mới giật mình có những cô gái tuổi 16 trăng tròn nhưng lúc đó tôi cứ ngỡ là “chị”. Họ mảnh mai như cây liễu, xinh đẹp như bông hoa rừng buổi sáng nhưng khuất phục những ngọn núi cao hiểm trở và kẻ thù phải nể sợ.
Thoắt đó mà nay đã gần 40 năm, các chị “hoa hồng xanh” (da xanh màu lá) không biết giờ ra sao nhưng họ sẽ mãi mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam bởi họ đã cống hiến tuổi đẹp nhất của đời mình cho non sông, đất nước. Họ xứng danh là những bông hồng đỏ thắm nhất để chúng ta trân trọng, tự hào!
Tại sao hoa hồng có gai?
Thằng bạn học phổ thông với tôi ngày nào vốn đẹp trai, học giỏi, lại là dân thể thao và có khiếu ca hát nên nhiều bạn gái mê tít nhưng vốn bản tính lãng tử nó chẳng để ý đến ai. Sau này, hắn lấy được cô vợ khá xinh lại “môn đăng hộ đối”, bạn bè ai ai cũng khen họ là cặp đôi “Long Phượng”. Bẵng đi gần chục năm, gặp lại nhau hắn thông báo: Tớ chia tay rồi…! - Chắc tại nhiều mối quá phải không? Tôi nghi ngờ. - Thực ra là lỗi tại tớ, khi hiểu ra thì mọi việc đã quá muộn: Có vợ giỏi giang, khá xinh đẹp nhưng mình không biết giữ, chỉ tại tớ ỷ lại mình từng là “hotboy” ít quan tâm, chăm sóc gia đình. Con học hành ra sao cũng chẳng biết, ngày sinh nhật vợ con, ngày 8-3, 20-10, lễ tình nhân…việc tặng hoa, tặng quà ít dần theo năm tháng, cứ nghĩ mình làm có tiền đưa vợ là đủ. Lúc quyết định chia tay cô ấy khóc nhiều lắm, mình muốn cô ấy cho cơ hội nhưng cô ấy quả quyết vì đã cho rồi nhưng mình không nắm lấy…”Ông có hy vọng không?”. Tôi hỏi cắt ngang. Không trả lời tôi, anh trầm ngâm “Yêu thì dễ, lấy nhau thì khó và lấy vợ thì dễ nhưng giữ vợ mới khó” thật đúng “hoa hồng có gai”.
“Hoa hồng” đẹp mong manh làm xiêu lòng bạn giống người con gái bạn đang yêu, nếu bạn biết nâng niu, giữ gìn thì nó mãi mãi là của bạn. Người phụ nữ Việt Nam cũng có nét chung tựa hoa hồng, đẹp dịu dàng nhưng tiềm ẩn bên trong sức mạnh tình yêu dữ dội bởi “Hoa hồng nào chẳng có gai!”
Mỹ Hạnh