Hầu hết những bài thơ của Anh đều mang đậm chất trữ tình nồng nàn, đầy cảm xúc, giàu giai điệu, dễ lay động lòng người. Hình ảnh trong dòng thơ sau đã làm cho thể thơ lục bát càng thêm quyến rũ, bay bổng :
"Đưa đưa sợi nhớ bay bay
Cho đêm mộng rớt cho ngày mơ tan
Đưa đưa chiếc lá thu tàn
Cho xanh bím tóc cho vàng heo may"
(Nhịp võng đưa tình)
Hay miên man nỗi hoài niệm lãng mạn về một cuộc tình nơi thành phố mù sương:
“Nếu như trời không gió
Mưa sẽ về đồi thông
Nếu như em không đến
Sẽ vô cùng mênh mông"
(Đà Lạt tháng giêng hồng)
Có chút bâng khuâng, nuối tiếc bóng hình người con gái đã xa:
“Cây lược em cài trên tóc
Vô tình rớt xuống dòng sông
Mỗi ngày thuyền tôi qua đó
Vẫn nghe tiếng sóng trong lòng”
(Tóc mây cài lược)
Đứng ngậm ngùi nhìn cơn mưa Sài Gòn, ngập ngừng lời tình không dám ngỏ:
“Sài Gòn trời mưa ướt dầm con phố
Bên em chiều nay lời chưa dám ngỏ
Chầm chậm theo mưa”
(Sài Gòn mưa )
Với tình yêu thiên nhiên tha thiết đến như thế nên thơ viết về Vĩnh Hy đã đem lại cảm xúc lan tỏa vô tận :
“Lên trên núi ta có hồ trên núi
Có người thương yêu có cả mây trời
Cùng dắt dìu nhau vịn tay vào gió
Để chút nồng nàn e ấp đọng trên môi’’
(Thăm hồ trên núi Vĩnh Hy)
Có lẽ vì thế nên thơ của Anh được nhiều nhạc sĩ chọn phổ nhạc, trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Bảo Chấn, Thế Bảo, Vũ Hoàng, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Quang Lộc, Trần Quế Sơn, Quỳnh Hợp, Tạ Thanh Sơn, Võ Công Anh, Phan Anh Dũng... Chỉ với 76 bài thơ tình mà được phổ đến 180 ca khúc. Đặc biệt có bài thơ được phổ đến 9 ca khúc (Đà Lạt tháng giêng hồng) hoặc 10 ca khúc (Hà Nội chiều mưa)
Hơn 50 năm làm thơ,ngoài 3 tập thơ và 4 CD thơ phổ nhạc riêng, còn có 74 tuyển tập thơ,34 tuyển tập nhạc in chung và 126 băng đĩa nhạc có ca khúc phổ thơ của Anh được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước. Điều đó đã thể hiện được sự lao động sáng tạo không ngừng của nhà thơ tài hoa Huỳnh Hữu Võ
Trong số rất ít nhà thơ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trong nước hiện nay, nhà thơ Huỳnh Hữu Võ là một trong số được vinh dự đó. Vịn tay vào gió là một tuyển tập nên đọc, để thấy thơ và nhạc hòa quyện, lung linh và bềnh bồng đến dường nào.
Trần Văn Nghĩa