TRUYỆN NGẮN:

Cuộc đua mùa phượng

(NTO) Tiếng trống vào tiết học vang lên. Vào ghế ngồi rồi nhỏ lại hồi hộp vì đây là tiết Văn của giáo viên mới. Không biết là thầy hay cô? Đang miên man với hàng tá băn khoăn trong đầu, nhỏ đâu biết mấy mươi cặp mắt đang đổ dồn về phía mình. Là vì cả lớp đứng lên chào thầy giáo mới, chỉ mình nhỏ ngồi suy nghĩ. Cho đến khi sức nóng của căn phòng dồn về phía nhỏ, vỡ ra thành câu nói của thầy:

- Bạn áo dài gì kia ơi, đứng lên cho thầy chào!

Nhỏ giật mình đứng dậy, lúng túng, luống cuống nhưng cũng kịp nói lời xin lỗi trước khi ngồi xuống ghế. Đáp lời nhỏ bằng nụ cười bí ẩn (kiểu Mônalisa) của thầy giáo trẻ.

Bao nhiêu sự hồi hộp, chờ đợi bổng chốc tan biến mất, giờ còn lại trong nhỏ là một cảm giác xấu hổ. Chắc thầy nghĩ mình là con bé vô lễ lắm, rồi thầy sẽ phê sổ đầu bài giờ học yếu, rồi mình sẽ đọc bản kiểm điểm vào giờ sinh hoạt lớp, rồi cô chủ nhiệm sẽ mời phụ huynh, … Ôi trời! bao nhiêu sự phiền hà nhỏ mường tượng ra làm nhỏ hoang mang vô cùng. Thế nên những lời giới thiệu của thầy cùng tiết giảng hôm ấy cứ u u ù ù như gió thoảng mây bay qua tai nhỏ.

Không biết thầy nghĩ về nhỏ như thế nào, còn những gì nhỏ tưởng tượng ra chỉ là tượng tượng. Sổ đầu bài vẫn “sạch sẽ”. Có lẽ thầy thương cho sự hoang mang của nhỏ hay thầy muốn tạo dựng … hình tượng. Tiết đầu tiên ai lại để ác cảm cho lớp. Nhưng dù sao đó vẫn chưa phải là điều tệ hại bởi đến tiết hôm sau, khi kiểm tra bài cũ, không biết run rủi thế nào thầy lại gọi tên nhỏ. Điều này nhỏ chỉ biết thầm trách ba mẹ nhỏ đặt cái tên lúc nào cũng đầu sổ: Thiên An. Hay là thầy biết tên nhỏ, thầy để ý nhỏ rồi, thầy ghi nợ trong lòng lỗi của nhỏ hôm trước giờ bắt nhỏ trả? Thôi nghĩ ngợi chi nhiều, đằng nào thì tên cũng đã gọi rồi. Nhỏ cầm tập, đứng dậy đi lên, chờ nghe câu hỏi. Sau mấy giây bất ngờ, nhỏ lấy lại tinh thần ngay. Với bản lĩnh của một học sinh từng được bồi dưỡng để thi học sinh giỏi quốc gia (dù chưa đoạt giải), nhỏ tự tin trả lời xuất sắc câu hỏi của thầy: khát vọng tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Không chỉ dừng lại ở việc cảm nhận khát vọng dung dị, đời thường nhưng cũng rất đỗi mãnh liệt và lớn lao trong tình yêu của người phụ nữ, nhỏ còn liên hệ đến khát vọng tình yêu của người phụ nữ xưa qua thơ của Hồ Xuân Hương, đối chiếu với thơ của “Ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu để nhận ra sự khác biệt về giới trong cảm nhận về khát vọng tình yêu, nhằm tôn vinh tài năng của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Căn phòng im lặng. Nhỏ say sưa. Mấy mươi đôi mắt mở to ngưỡng mộ, thán phục, trong đó có thầy.

Trước khi nhận lớp, qua tìm hiểu, thầy cũng đã biết lớp có nhiều em học rất tốt môn Văn nhưng hôm nay thầy mới được mục kích sở thị một trường hợp. Điều đó làm cho thầy hạnh phúc lắm, nhất là trong thời buổi hiện nay khi mà “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, học trò thi khối C đếm trên đầu ngón tay, mà đam mê văn chương như nhỏ thuộc hàng quý hiếm (vì hiếm mới quý). Vậy là với nhỏ, việc kiểm tra bài cũ hóa ra lại hay, cứu được bàn thua của tiết trước. Đó là với nhỏ. Còn với thầy, sau hạnh phúc nhỏ bé ấy là một sự giật mình. Giật mình cho kiến thức của mình, phải cố gắng, nỗ lực trao dồi chuyên môn nghiệp vụ cho thật giỏi, cho xứng đáng để dạy những đứa học trò giỏi như nhỏ. Giật mình cho đam mê của mình. Mấy năm đại học, ra trường, đi dạy chưa bao giờ thấy tự tin khi nói rằng: Tôi là thầy giáo dạy Văn. Bạn bè đứa Bác sĩ, Kỹ sư, Kế toán,…những công việc dễ kiếm tiền trong khi thầy chọn nghề dạy học rồi an ủi mình đó là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà xã hội tôn vinh. Nhưng bây giờ thì khác, nhất là khi được dạy lớp học này, có những đứa học trò giỏi như Thiên An.

Không ai nói ra nhưng cả hai đang ngầm hiểu có một cuộc chạy đua. Thầy ý thức được rằng phải làm sao để bài giảng phải thật hay, thật cuốn hút. Còn với nhỏ, dường như nhỏ cũng nhận ra được điều ấy từ thầy. Nhỏ say sưa như uống từng lời giảng ấm áp truyền cảm của thầy. Rồi không biết tự bao giờ, từng lời nói, cử chỉ, điệu bộ của thầy đã len lỏi vào trong giấc mơ của nhỏ. Nhỏ cứ rạo rực, bồi hồi mong sao sớm đến tiết của thầy để được say sưa. Nhiều khi nhỏ giật mình tự hỏi: liệu có phải “say nắng” hay chỉ là thần tượng?

Cả thầy và nhỏ đều biết rằng mình trong một cuộc đua nhưng chẳng ai biết đâu là đích…cho đến chiều nay. Chiều nay nhà trường tổ chức Lễ tổng kết năm học. Tối qua nhỏ cứ thao thức mãi, nhìn bộ áo dài đã được ủi phẳng phiu mà lòng nhỏ rưng rưng. Thời áo trắng là đây, còn đúng một ngày nữa thôi là lặng lẽ xếp vào ngăn tủ. Nhỏ sẽ xếp tất cả 12 năm đi học vào ngăn tủ kỷ niệm. Kể cả “Thần tượng say nắng” của nhỏ nữa. Nghĩ đến thầy, nhỏ lại băn khoăn. Một đứa dễ mủi lòng như nhỏ không biết có nói được gì với thầy trước giờ khắc chia xa, không biết tặng hoa gì cho thầy để tri ân thầy đã hết lòng cho một cuộc đua.

Buổi lễ kết thúc khi trời nhàn nhạt nắng. Học trò 12 lòng đứa nào cũng nặng trĩu ưu tư, tranh thủ lưu niệm cùng thầy, cô và bạn bè vài bức ảnh. Nhỏ tìm mãi mới thấy thầy đang đứng ở gốc phượng gần Thư viện. Vừa gặp thầy, nhỏ chìa luôn bó hoa:

- Dạ! Em tặng thầy bó hoa ngày ra trường. Thầy có biết bó hoa này có ý nghĩa gì không?

Nhìn 3 bông hồng nhung vừa nở, trên cánh hoa có rắc một ít kim tuyến lấp lánh, bất chợt thầy đưa tay chỉ vào tim mình, rồi nhún vai:

- Ý nghĩa ở trong tim mình em ạ. Mỗi người có một ý nghĩa riêng mà hoa là thiên sứ.

Nhỏ nhíu mày, băn khoăn:

- Là sao? Em không hiểu?

- Là cảm ơn em.

- Chỉ vậy thôi sao?

Thầy nhìn nhỏ cười cười bí ẩn, đưa tay vào túi áo lấy ra một con bướm được làm bằng hoa phượng thầy vừa mới hái:

- Tặng em nè! Một lữ khách đã sang bờ không biết bao giờ gặp lại. Con bướm này sẽ mang em đến với ước mơ của mình. Chúc em đạt thành mọi ý nguyện trong đời, luôn như tên gọi của em.

Đón nhận món quà từ tay thầy, nhỏ cảm nhận đầy đủ niềm tin, hy vọng mà thầy muốn gửi đến. Thầy ơi! Nhỏ sẽ cất giữ món quà này vào lưu bút mãi mãi.

Và cuộc đua mới lại tiếp tục bắt đầu.