TRUYỆN NGẮN:

Hẻm phố tình người

(NTO) Muốn vào hẻm phải qua một cây cầu. Giữa thành phố có vô vàn con hẻm, để miêu tả cho một ai đó về con hẻm nhà mình quả tình thật khó. Nhiều lần tôi cố vận dụng bài học vỡ lòng mà nhà văn G. Flaubert đã dạy cho G. Maupassant: Trong đàn ngựa có khoảng năm mươi con, ta chỉ vào một con bất kỳ và anh phải tả nó thế nào mà khi đọc lên không thể lẫn vào bốn mươi chín con kia.

Đấy là câu chuyện của các văn hào. Nếu tôi biết miêu tả một cách tinh tế và chính xác thì tôi đã trở thành văn sĩ và con hẻm nhà tôi chắc đã đi vào trang văn. Rất tiếc, điều đó không xảy ra!

Gọi là cầu? Mà đúng, mặc dù chiều dài chừng đâu hơn bốn thước còn bề ngang vừa bằng chiều ngang con hẻm, đủ hai chiếc xe ngược chiều phải né nhường nhau nếu không muốn lọt xuống mương đầy rác và sình, nhưng hai bên cũng có lan can, tay vịn và những bệ xi măng, vậy không gọi là cầu thì là gì. Tuy cây cầu cũ kỹ và rêu phong nhưng hàng ngày có nhiều người ghé chân. Nước dưới mương lúc trong lúc đục, lúc lớn lúc ròng nhưng nói chung là quanh năm có nước. Và hẳn nhịên, mương nội thành thì có rác. Nhiều rác là đằng khác. Mương chảy từ phường trên, chở theo nhiều rác của nhiều phường bên trên đó nữa khi ngang chân cầu thì mắc lại, mỗi ngày một ít. Công ty vệ sinh thành phố làm không xuể, đội dân phòng phường ra tay một đôi lần cũng chả ăn thua, rồi thanh niên áo xanh tình nguyện…Đâu cũng vào đó. Họp tổ dân phố, họp phường. Người ta ngồi nghe suốt buổi về chủ trương bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn minh không biết ngán. Rồi thảo luận sôi nổi. Rồi cùng ký vào cam kết. Nhưng rồi cùng ném từng bọc rác xuống mương. Ông tổ trưởng, tổ phó nếu có bắt gặp thì họ cười cười “ở đời lấy nước làm sạch, chứ biết đâu!”. Rồi họ phân bua về một lẽ thiếu công bằng, ủa sao ở phường trên người ta ném được, rác trôi xuống đây mình chịu mà sao cấm phường mình. Thì ông trời cũng công bằng lắm chứ. Những hôm nắng to, trời oi thì ôi thôi mùi rác sình bốc lên, hẻm trên, hẻm dưới cùng…nhờ!

Qua khỏi cây cầu, rẽ trái là căn nhà đầu tiên có bờ bìm bìm hoa tím. Người chủ mới dọn về chừng dăm tháng nay nghe nói là một nhà văn già. Ông sống đơn độc. Thi thoảng mới thấy con cháu tới thăm. Đã ngót bát tuần mà trông ông còn khỏe mạnh, tráng kiện nữa là đằng khác. Hôm về ở chừng hai tuần, ông già làm một việc mà tưởng đâu là sự kiện lớn của con hẻm. Nhân bữa đó nước lớn, ông cởi trần, mặc độc chiếc quần đùi, tay cầm cây sào dài, đi dọc bờ mương khều từng bọc rác rồi đẩy theo dòng nước. Người trong hẻm đổ xô nhau đứng, ngồi trên cầu chỉ trỏ, cười nói và nhìn ông già làm việc như xem chuyện lạ đó đây. Nhà văn già cứ lặng lẽ với công việc “vác tù và”. Quá trưa, con mương quang hẳn, chiếc cầu như rộng ra. Rồi sẵn tay, ông phát mấy lùm cỏ dại. Ngôi miếu nhỏ bên đầu cầu từ bao nhiêu năm hoang phế, lấp ló sau lùm cây nay sáng sủa phong quang. Bỗng nhóm người đang trò chuyện rôm rả trên cầu chuyển sang đề tài ngôi miếu. Ông Tám Cờ Tướng tay vẫn miết quân cờ, mắt không rời đấu thủ, hắng giọng quả quyết, đó là ngôi miếu thờ thổ thần. “Từ bé tôi đã biết ngôi miếu này linh thiêng lắm!”. “Ủa, sao linh thiêng mà người ta bỏ hoang làm vậy?”, bà Sáu Chè Chuối lên tiếng thắc mắc. “Thì tại chẳng mấy ai để tâm”. “Ông cũng vậy chứ trách gì ai”. “Bà này ăn nói thốc hông, thấy ghét”. Hình như bà Sáu chẳng để tâm chi lời ông Tám, lẩm bẩm: “Thổ thần, thổ địa mà không vọng tưởng hèn chi cả xóm hẻm cứ nghèo miết”. Rồi bà phe phẩy chiếc nón lá, lỏn lẻn cười một mình. Định bụng từ ngày mai bà dọn gánh chè về ngồi bên đầu cầu, dưới bóng cây xoài cổ thụ, chứ già rồi mà lẽo đẽo quang gánh đi khắp phố phường chân cẳng muốn rụng ra từng khúc. Con mương giờ sạch rác, thông dòng chắc chẳng còn ai chê hôi, gánh chè của bà khỏi bị nghi là không “an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Từ hôm con mương được sạch rác, khơi dòng, chiếc cầu như đổi đời. Hai bên thành cầu không còn là nơi độc chiếm của bọn trẻ vé số, ve chai. Từ giấc quá trưa cho đến chiều tà có lắm anh chàng rỗi việc, trước thường ngồi đồng ở các quán café nay cũng theo phong trào “du lịch sinh thái” đến đây buông cần lãng tử. Nhìn anh nào cũng ra dáng con nhà giàu, lịch sự, hào hoa. Quần lửng, áo thể thao, tóc kiểu diễn viên Hàn Quốc, tai lủng lẳng khuyên vàng, khuyên bạc,…chừng đó cũng làm cho đám vịt giời hẻm Cầu chết điếng. Thường nhật, ba mẹ có việc chi sai biểu, lũ vịt giời nhăn xụ nhăn xị vậy mà bây giờ bỗng dưng chúng siêng năng đột xuất, có việc thì ra phố, không việc cũng ra phố, cốt ý là được qua cầu. Những lúc ấy nhìn lũ “gà đồng” đấm lưng nhau vừa nhao nhao vừa ngả ngớn cười, bà Sáu Chè Chuối nẩy hột con mắt. Ừa, quỡn đi con, rồi thấy.

Đùng một cái, hẻm Cầu được Ủy ban nhân dân Phường công nhận là khu phố văn hóa. Ông Tám Cờ Tướng sốt sắng ra mặt. Chả là từ hôm con mương và cây cầu quang đãng, ông có mặt thường trực trên cầu vừa đánh cờ vừa giảng giải cho thế hệ trẻ bài học dư địa chí của xóm hẻm. “Lũ trẻ phải biết công lao của thành hoàng, thổ địa, phải biết người trên kẻ trước mà kỉnh nhường mới phải đạo…”. Bà Sáu Chè Chuối hứ cái cắc. Không biết bữa nào lên đọc “diễn dăn”, lão có lớn lối như vầy không !