Mở facebook lên, những hình ảnh về Tết ngập tràn trước mắt tôi như có hẹn từ trước. Nào là hoa đào, hoa mai rực rỡ khoe sắc, người này có người yêu về ra mắt bố mẹ, người kia có xe mới về quê ăn tết với gia đình,… Đa số các bức ảnh đều được “like” mạnh. Đến nổi, tôi chỉ muốn lướt qua vì ganh tị. Hoặc vì nghĩ: “Thêm một cái like của mình cũng đâu thể thay đổi được cả thế giới!”
Tôi lướt qua rất nhanh những câu status, những hình ảnh quen thuộc. Rồi đột ngột dừng lại trước một bức ảnh hoàn toàn bình dị, mộc mạc và thấm đẫm tình cảm quê hương dịu dàng. Trước mắt tôi là hình ảnh một bà cụ đang xếp những chiếc bánh thuẫn vào cái mẹt nhỏ. Khuôn mặt bà đầy những nếp nhăn, nhưng hồng hào và rạng rỡ một cách kỳ lạ. Có lẽ, bà đang chuẩn bị ít bánh để mang cho con cháu ở xa, hoặc là dọn trong mâm cúng ngày tết. Chỉ là tôi đoán thế, bằng chính cảm nhận và sự tinh tế của mình.
Đọc dòng ghi chú phía trên bức ảnh, tôi khá tò mò. “Tác giả” là một cô bé cùng quê với tôi. Hai đứa kết bạn trên “phây” lâu lắm rồi, nhưng chẳng lần nào nói chuyện. Đột nhiên tôi muốn hỏi cô bé tại sao lại đặt tên của bức ảnh là “Tết quê”, mà không phải là một dòng chữ nào hoa mĩ hơn, dài dòng hơn.
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy cô bé đó thật khéo. Chỉ với hai từ mà có thể diễn đạt được hết trọn vẹn tâm tư, tình cảm của mình. Chẳng như tôi-một con người dù lớn nhưng vẫn còn vụng về trong từng câu chữ.
Nhắc đến món bánh thuẫn. Đã rất lâu rồi tôi không nghĩ đến nó, chứ đừng nói là ăn nó. Bức ảnh trên facebook khiến tôi như chợt bừng tỉnh, và nhớ đến quê hương mình nhiều vô cùng.
Quả thực. Những người ở đâu không biết, nhưng nếu là người miền Trung, thì chắc hẳn ai cũng đều quen thuộc với món bánh thuẫn thơm ngon và đặc biệt chỉ có nhiều vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tôi nhớ hồi nhỏ, bà ngoại là người vẫn thường làm món bánh này cho tôi ăn. Cũng vì ở quê ngày đó nghèo lắm, nên con nít chẳng mấy khi được cho tiền mua bánh, mua kẹo. Có chăng là chỉ lúc nào rảnh rỗi, các bà, các mẹ lại đem bột mì trinh, đường, với mấy quả trứng gà nhà ra để làm bánh thuẫn cho chúng tôi ăn.
Đặc biệt, cứ đến dịp Tết, năm nào trên mâm cỗ cũng không thể nào thiếu được món bánh thơm ngon, vàng ruộm ấy. Đi nhà nào, cứ hễ thấy trong khay đựng bánh kẹo, mứt tết có thêm một ít bánh thuẫn thì tụi trẻ con lại mừng rơn. Bởi đơn giản, đó là món “tủ” của không biết bao đứa. Hơn thế nữa, món bánh thuẫn lại rất đặc biệt. Ăn hoài mà chẳng thấy ngán. Hoặc nếu “lỡ” ngán rồi thì bỏ vào túi, lát về nhà lại lôi ra ăn ngay.
Cái gì cũng vậy. Ăn thì dễ, nhưng làm thì rất khó. Để làm được những mẻ bánh thuẫn thơm ngon, đúng mùi vị, đòi hỏi người làm phải tốn nhiều công sức, am hiểu và khéo léo.
Đầu tiên, trứng gà, bột, đường được đổ vào một cái thau to, đánh lên cho thật nhuyễn. Đánh càng nhiều, càng mạnh tay thì lúc đổ, bánh mới dậy. Sau bữa cơm tối, mẹ và ngoại tôi thay phiên nhau đổ bánh. Tôi và mấy đứa em vây quanh bếp lò ngồi xem và chờ chực những cái bánh đầu tiên được ra lò.
Bà tôi bảo, lứa bánh đầu tiên là thử khuôn nên cho chúng tôi được nhấm nháp. Chao ôi! Mùi bánh thơm lựng bay khắp nhà. Lúc được ngồi cạnh những người thân yêu trong gia đình thưởng thức loại bánh này, tôi thấy cái Tết dường như đang đến thật gần. Cái tiết trời se lạnh của ngày giáp Tết đã bị hơi ấm của bếp lò trong nhà và hương bánh thuẫn đẩy lùi.
Lúc bà tôi mất. Mẹ tôi vẫn ngày ngày làm bánh thuẫn để đem ra chợ bán. Ở quê, bánh thuẫn còn là một loại quà vặt rất được ưa chuộng. Nhờ thế mà mẹ tôi bán được hàng, có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày cũng như lo cho bốn đứa con ăn học.
Năm nào, cứ đến những ngày giáp Tết, tôi cũng phụ mẹ mang bánh ra chợ bán từ sáng sớm tinh mơ. Nhìn các cô, các bà, các mẹ…đi chợ tập nập, kẻ bán người mua, trong lòng tôi thấy vui tươi lạ thường.
Ngoài việc làm để bán, mẹ tôi còn làm bánh thuẫn để thờ cúng tổ tiên và biếu họ hàng vào mỗi dịp tết. Đa số mọi người đều khen bánh của mẹ tôi làm thơm ngon và ngọt ngào. Nhiều lần quan sát thấy bà, rồi mẹ làm bánh nên tôi cũng học hỏi được ít nhiều. Lúc mới học lớp Năm, tôi đã có thể làm thuần thục tất cả các động tác từ đánh trứng, đổ bột,…cho đến tách bánh ra khỏi khuôn. Được mẹ cho thực hành nhiều, tôi làm mỗi ngày một khéo. Bố tôi hay đùa rằng: “Con gái làng mình, ai mà đổ được bánh thuẫn là có thể đi chồng được rồi đấy!”
Bây giờ khi đã lớn, đi học xa nhà, tôi mới thấm thía được hết nổi nhớ nhà, nhớ quê hương. Bất chợt trên facebook có tin nhắn: “Chị ơi, Tết này chị về nhé. Món bánh thuẫn đang chờ…” Tôi xúc động nghẹn ngào, rồi tự dưng có một giọt nước nóng hổi rỉ ra từ khóe mắt…
Dương Thị Phương