Giọng cô cháu gái vang lên ngọt ngào:
“ Dì út ơi, dì đã về rồi sao không qua thăm ngoại ? Ngoại ngồi chờ dì cả ngày rồi”.
Nước mắt chợt ứa vành mi tôi, đã gần mười năm theo chồng xa xứ, bóng mẹ già chập chờn trong mỗi giấc mơ.
Có biết bao lần thu xếp rồi lại thu xếp, mà phải đến mười năm mới trở về thăm quê, thăm mẹ.
Ngồi trên chuyến bay chỉ mong sao cuối đường băng là mái nhà xưa là bóng mẹ hiền. Nhưng kẹt nỗi chồng tôi là người Anh nên không như rể Việt. Anh yêu cầu về khách sạn, nghỉ ngơi xong mới về thăm nhà.
Tôi nghèn nghẹn “ ừ út vừa về, bé Na cho út nói chuyện với ngoại”.
Tiếng mẹ nhẹ nhàng, nhẹ như lời ru, nhưng sao giọng nói có phần ươn ướt, tôi hình dung ra nước mắt má rơi thấm ướt đôi môi mẹ:
“ Con về là tốt, má biết con giờ là vợ người ta, cứ từ từ, rồi về thăm mẹ cũng được”.
Gương mặt tôi đón hai dòng nước mắt lăn dài. Mẹ là vậy, dù thế nào, trong lòng cũng nghĩ đến nỗi khó của con. Nhưng có mấy người con hiểu nỗi khổ trong lòng má…
Tôi bỏ tay chồng, để vịn vào chiếc cổng màu xanh nước biển, cổng nhà tôi đây, nơi mà một thời ngày hai lượt đón bước chân tôi tan học trở về. Nơi mà nhìn tôi e ấp rút bàn tay mình ra khỏi đôi tay của cậu bạn cùng lớp. Nơi mà lặng lẽ chờ tôi, khi tôi lỡ mất mối tình đầu. Cũng là nơi âm thầm tiễn chân để tôi theo chồng xa xứ.
Cánh cổng bao năm không nhiều thay đổi, chỉ có tôi đã không còn là cô bé của ngày xưa.
Tôi chạy vào trong sân, chân không kịp tháo giày, bóng mẹ che ngay cửa, tôi oà vào lòng, khóc ngon. Mẹ lặng lẽ đưa tay lau dòng nước mắt con, vỗ vỗ bờ vai như bao lần ôm con an ủi.
Tóc mẹ đã bạc nhiều, da cũng trổ đồi mồi lấm tấm, chỉ có đôi mắt là không khác gì ngày xưa. Đôi mắt vẫn nhìn con đong đầy sự yêu thương trìu mến. Mẹ là vậy dù con có bao lớn thì trong đôi mắt mẹ, con vẫn mãi như thưở còn ẵm ngữa trên tay.
Mẹ cầm tay tôi vuốt ve dịu dàng, nụ cười như đẹp hơn:
“ Con về, tết này nhà mình như được ăn hai cái tết, má sẽ đi chợ lựa những miếng thịt ngon làm món thịt ngâm mắm cho con. Nghe tin bây về, má đã dặn mấy lít mắm nhỉ của bà Tư, để dành làm món Việt cho cậu rể người Tây của má”.
Tôi mừng rỡ, mười năm xa quê, năm nào ăn tết nơi quê chồng tôi cũng đều làm món thịt ngâm mắm này. Nhưng không hiểu sao chẳng có bao giờ giống được hương vị mà mẹ tôi làm. Có lẽ tại nước mắm không ngon như loại mắm mẹ chọn, hay trong món của mẹ có thêm gia vị của tình thương.
Tôi và mẹ tay trong tay đi chợ tết. Tết ở quê hương nhộn nhịp, đông vui, cái không khí này khác hoàn toàn cái không khí tôi đi chợ tết ở siêu thị xứ người.
Mẹ đến các hàng quen, lựa kỹ lưỡng từng khuôn thịt, thịt ngâm mắm phải là loại thịt đùi hảo hạng, không nhiều mỡ, thịt không được mỏng quá, không dày quá. Cầm miếng thịt phải thấy săn chắc, đỏ hồng.
Mẹ dắt tay con như hồi còn bé, mặc dù giờ đây lưng mẹ đã còng mà con thì đã trở thành thiếu phụ.
Mẹ đưa con đi khắp khu chợ, mẹ muốn con nhìn thấy sự thay đổi quê hương từ nơi bình dị nhất. Mẹ muốn con thấy rằng người dân mình nao nức đón xuân, chăm chỉ lao động để đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Mẹ âu yếm chỉ dạy từng cách làm các món ăn, mẹ mong dù ở phương trời nào con cũng đừng quên nguồn cội, tổ tiên.
Rể của mẹ tuy khác văn hoá, khác nhiều về ngôn ngữ, vậy mà vẫn bị các món ăn do mẹ làm thu hút, để rồi hăng say tìm hiểu, lăng xăng phụ mẹ nấu bữa cơm cúng ông bà tổ tiên của ngày cuối năm.
Rồi học vài câu chúc bằng tiếng Việt để chúc mẹ năm mới dồi dào sức khoẻ, sống trường thọ với cháu con.
Tôi mỉm cười hạnh phúc nhìn sự quây quần của những người thân bên cạnh mẹ. Nhìn sự ngượng ngùng của chồng khi biết mình dùng sai tiếng Việt.
Tôi chợt nhận ra, dù thời gian có bao lâu, khoảng cách có bao xa, thì quê hương tôi vẫn là quê hương tôi đó.
Mẹ của tôi vẫn đong đầy tình yêu thương con trẻ, mái nhà này mãi mãi thuộc về tôi.
Mùa xuân quê hương vẫn là mùa xuân đẹp nhất.
Đinh Ngọc Linh
Mỹ Bình, PR-TC