GIẢI BÁO CHÍ BÁO NINH THUẬN - 2013 " NGƯỜI THẦY TRONG TÔI"

Người truyền lửa

(NTO) Vừa tốt nghiệp mà có được việc làm là niềm mơ ước không những chỉ của riêng tôi mà là mơ ước của hầu hết tất cả sinh viên, mặc dù phải đi dạy nơi vùng sâu, vùng xa.

Tôi được phân công dạy tại xã Phước Thắng, huyện Bác Ái. Với tuổi 20 đầy nhiệt huyết, tôi luôn tâm niệm rằng:

“Đi cho biết đó biết đây

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”

Vả lại Phước Thắng là xã trước đây tôi đã từng là “lính” tình nguyện nên cũng phần nào “quen mặt” ở đây, một lợi thế tôi luôn cho rằng mình được “may mắn”. Nhưng có lẽ tôi vui mừng hơi sớm vì cuộc sống một tháng của lính tình nguyện khác hẳn với cuộc sống của một cô giáo 5 năm công tác ở vùng sâu, vùng xa.

Phước Thắng 10 năm về trước là xã nằm trong dự án xây dựng hồ Sông Sắt nên cơ sở vật chất chẳng được đầu tư xây dựng mới, chỉ sửa lại tạm bợ để chờ di dời xuống khu tái định cư mới, nên các lớp học ở các điểm lẻ các thôn còn ọp ẹp. Mùa mưa là lớp học bị dột, học sinh tự tìm chỗ ráo ngồi, còn giáo viên thì tự tìm chỗ khô đứng dạy. Còn hôm nào mưa to phải cho học sinh về sớm vì sợ lũ về. Đấy là những nơi mà hàng ngày giáo viên còn có thể trở về khu tập thể ở trung tâm, còn ai mà “được” điều đi dạy ở Chà Đung thì thôi khỏi phải nói chuyện đi đi về về hàng ngày, làm siêng thì cuối tuần về một lần, vì đường cực kỳ khó đi, phải tay lái “lụa” mới lái xe được, còn nếu đi bộ ít nhất phải mất 2 tiếng đồng hồ mới đến lớp. Đường sá xa xôi là vậy, giống như một mái chòi tranh không vách, lại ở sát chân núi nên màn đêm mà buông xuống là tối đen như mực, về đêm phải thắp đèn dầu soạn bài, ban ngày còn phải tranh thủ thời gian đi vận động học sinh ra lớp. Ấy vậy mà cũng chả đủ học sinh nên một lớp học phải ghép 2 - 3 trình độ. Thế nhưng anh - thầy giáo Phan Hồng Hải, một đồng nghiệp của tôi - hết năm này qua năm khác vẫn bám trụ mà chẳng kêu than gì, mặc dù có lúc bị cơn sốt rét rừng hành hạ nhưng khi hết bệnh lại sẵn sàng trở về trường công tác. Hiệu trưởng cũng quan tâm cho anh về dưới này để điều người khác lên thế nhưng ai cũng “ngán” nên cuối cùng nơi đó vẫn thuộc về anh. Anh còn đùa rằng, anh đã mọc rễ sâu trên ấy rồi nên dứt ra không được. Bản thân tôi may mắn hơn, mặc dù không dạy trên ấy nhưng nhiều lúc cũng chán, định trở về nhà với mẹ vì cảnh thiếu thốn đủ thứ. Nhưng nghĩ đến anh, như người truyền lửa để tiếp tục giữ chân tôi lại. Tôi cũng chẳng biết anh đã dạy ở đấy được mấy năm nhưng cứ nghe mọi người gọi anh là Hải Chà Đung và hay đùa rằng anh chính là trưởng thôn trên ấy vì nhìn cách anh trò chuyện cũng như quan tâm hỏi thăm người dân mỗi khi đi vận động học sinh ra lớp như một người nhà hỏi thăm nhau hoặc giáo viên nào muốn biết thông tin về học sinh của thôn Chà Đung thì chỉ cần hỏi thăm anh thì anh thuộc nằm lòng và cho biết ngay lý lịch trích ngang trong vòng 1 phút.

Cứ vào dịp đầu năm học mới hay tổng kết năm học, học sinh ở Chà Đung cũng xuống tham gia cùng với học sinh ở trung tâm xã, nhìn các em bỡ ngỡ như đàn chim non mới rời mẹ tập bay cần lắm một bàn tay dìu dắt. Và người đó cũng chính là anh. Anh hướng dẫn, dặn dò các em không chỉ đơn thuần là lời của một người thầy đối với trò mà đó còn là lời của một người cha, người anh đối với con, em mình. Cả cái cách anh dạy cũng khác hẳn, hoàn toàn không đi theo tiến trình của một tiết dạy thông thường. Đối với anh chỉ cốt sao kết quả cuối cùng là học sinh hiểu bài. Anh chẳng phải dùng chi những lời hoa mỹ trong khi giảng bài, lời giảng ngắn gọn, mộc mạc như người dân Raglai vậy. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng anh vẫn lạc quan, vẫn vui tươi và luôn không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như luôn tìm cách khắc phục khó khăn, tìm ra các phương pháp dạy để phù hợp với thực tế học sinh ở đây.

Đến nay đã 10 năm rồi, Phước Thắng được đưa về khu tái định cư nên trường được xây dựng mới khang trang hơn nhiều, tôi cũng đã chuyển công tác về gần nhà. Riêng anh vẫn còn công tác trên ấy và hiện nay là Hiệu phó của trường. Với lòng nhiệt huyết của anh, tôi tin chắc rằng anh sẽ dẫn dắt và chèo lái con thuyền giáo dục của Trường TH Phước Thắng ngày một đi lên. Đối với riêng tôi, dù anh không trực tiếp giảng dạy tôi một buổi học nào nhưng qua cách sống, cách anh giảng dạy và yêu thương học sinh mãi là những bài học quý giá đã giúp tôi trụ vững trên con đường sư phạm mà có lúc tưởng chừng như tôi đã từ bỏ, chính anh là người đã truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Anh mãi là một người thầy, một người anh lớn. Một mùa 20-11 nữa lại về, xin gởi đến anh - người thầy trong tôi một lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất. Chúc anh mãi là cánh chim không mỏi của núi rừng Bác Ái.