Nhớ về cô

(NTO) Không phải cô giáo chủ nhiệm, cũng không dạy tôi môn học nào, thế nhưng những điều mà tôi học được từ cô trong 2 tuần ngắn ngủi rất đáng nhớ. Là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của trường, trong thời gian học, cô đã cho tôi những bài học hay, điều giản dị nhất.

Cô là Hồ Thị Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Hải (Ninh Hải) (lúc ấy chia làm 2 cơ sở A và B) nay được tách ra thành 2 trường THCS: An Dương Vương và Mai Thúc Loan. Cô phụ trách quản lý cơ sở B, nơi tôi theo học.

Năm cuối cấp, tôi là một trong 6 bạn được chọn đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp huyện. Rất hạnh phúc khi biết rằng, cô Vân chính là người bồi dưỡng cho chúng tôi. Có học mới biết, tính cô rất giản dị, sâu lắng, luôn lắng nghe, biết cách “kích thích” sự sáng tạo “văn chương” của học sinh. Những bài giảng về phân tích hay bình luận các tác giả, tác phẩm, cách dạy của cô rất dễ hiểu và nhớ lâu. Cô chỉ cho chúng tôi những mẹo vặt, “bí kíp” để không nhầm lẫn tác giả, tác phẩm...

Trong số những bài học cô đã dạy, tôi ấn tượng nhất với buổi học phân tích hai câu thơ: “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. (Truyện Kiều-Nguyễn Du). Cô ra đề và yêu cầu chúng tôi phân tích hai câu thơ trên. Sau khoảng một giờ “mài chữ” với câu Kiều, bạn nào cũng trả cho cô bài văn dài nhằng với những dòng chữ viết vội. Cả 6 đứa đều hồi hộp chờ cô đưa ra nhận xét. Cô đọc bài văn của từng bạn, sau đó cô gọi từng bạn nói thêm một chút về “sản phẩm” của mình. Đến lượt tôi đứng lên cứ ậm ừ ậm à, chữ nghĩa cứng đơ trong họng không thốt ra được. Cố bình tĩnh tôi nói được mấy câu: “Dạ thưa cô, hai câu thơ trên nói về thân phận hồng nhan bạc mệnh của nàng Kiều, gặp nhiều sóng gió, trắc trở trong cuộc đời. Và hiểu rộng ra là không chỉ riêng nàng Kiều, mà câu thơ còn nói chung về số phận của những phụ nữ có nhan sắc thường có cuộc sống lênh đênh lận đận”. (Tôi thở dài nhẹ nhõm). Sau khi dứt lời, cô chẳng nói gì, nét mặt có vẻ nghiêm nghị hơn…

Một lúc sau, cô nhận xét bài chung của 6 bạn, chúng tôi lắng tai nghe từng lời cô nói. Cô cất tiếng: “Tất cả các em đều phân tích đúng hướng đề bài ra, nhưng cô thấy bài của em Kh (tôi) tốt hơn, phân tích chính xác, mở rộng được vấn đề, đưa ra dẫn chứng nhiều nhân vật nên bài văn phong phú. Nhưng chỉ có điều, chữ viết hơi cẩu thả, bài văn gạch bỏ nhiều chỗ, con gái thế không được, cần rèn luyện tính cẩn thận thêm”.

Tôi lúc ấy thấy thật hạnh phúc vì được cô khen, sau đó mặt tôi chuyển từ “cười tít mắt” sang “méo mó” vì lời chê hơi thẳng thắn của cô. Lúc đó, tôi thầm trách cô sao nhận xét như vậy trước các bạn làm tôi quê, mà không nói riêng với mình. Nhưng tôi cảm ơn cô về những góp ý ấy. Vì đã nhiều lần các cô giáo khác đều phàn nàn về chữ viết cẩu thả, bài kiểm tra gạch bỏ, mà tôi vẫn chưa sửa được. Từ dạo ấy, tôi tập cho mình tính cẩn thận, không hấp tấp, rèn luyện chữ viết nhiều hơn, tôi bỏ được tính cẩu thả, suy nghĩ kỹ hơn trước khi viết để không tẩy xóa. Kỳ thi cũng đã diễn ra, thật bất ngờ, đề thi lúc ấy cũng chính là hai câu thơ Kiều của Nguyễn Du mà cô cho chúng tôi phân tích. Tôi hớn hở vì “trúng tủ” cúi đầu viết liền một mạch, thầm cảm ơn cô vì buổi học hôm ấy.

Lên THPT, tôi vào học tại một trường ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm vì lúc đó ở quê không có trường THPT. Năm học lớp 11, tôi nghe đứa bạn cũ báo cô Vân đã ra đi sau nhiều ngày chiến đấu với bệnh tật. Tôi bàng hoàng trước hung tin ấy. Chợt ký ức những ngày xa xưa học cùng cô lại hiện về… “Cô khỏe lắm mà? Sao lại ra đi như vậy chứ?” Những câu hỏi không có lời giải cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Ngày cô mất, vì điều kiện học xa xôi, tôi không thể đến thắp cho cô một nén nhang.

Đã gần 10 năm từ những buổi học ấy, giờ đây, cô đã xa, những dòng tôi viết trên đây sẽ chẳng bao giờ đến được với cô. Dẫu vậy, tôi vẫn tâm niệm với cô rằng: Em rất vui và cảm ơn khoảng thời gian học cùng cô, đó là những bài học đáng quý đầu đời, cô ạ!