Tri ân thầy cô

(NTO) Cứ mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20 – 11), lòng tôi lại dâng trào cảm giác khó tả. Nao nao, bồi hồi, xúc động khi nhớ về cô – một nhà giáo mẫu mực, tận tụy với nghề, hết lòng với học sinh thân yêu – cô giáo Nguyễn Thị Khánh Toàn, giáo viên dạy tôi năm học lớp 4.

Tôi nhớ như in, cứ mỗi lần thấy cô từ xa, cả lớp chúng tôi cứ đưa mắt nhìn theo, trầm trồ khen ngợi. Và mỗi khi cô bước vào lớp, với giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, ánh mắt dịu dàng, cả lớp chúng tôi lại im lặng, tập trung để nghe cô nói, nghe cô giảng bài. Năm ấy, tôi học lớp 4 (cách đây khoảng 23 năm về trước), tôi là lớp phó học tập gương mẫu.

Trong mắt các bạn, tôi là một lớp phó nhiệt tình, dễ gần, dễ mến, dễ thương, dễ nhờ cậy. Và đối với cô chủ nhiệm, tôi là đứa học trò ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học, có ý thức, biết giúp đỡ bạn bè. Cô luôn dành cho tôi những ánh mắt thân thiện, nụ cười trìu mến, những lời nói ngọt ngào khó quên. Cô luôn giúp đỡ, động viên mỗi khi tôi gặp khó khăn cũng như mỗi khi ốm đau. Chuyện là như thế này, bình thường mỗi ngày tôi đến lớp rất sớm, đi học đều đặn chuyên cần; nhưng mấy hôm liền, tôi bị sốt nằm mê man trên giường không đến lớp được. Biết tôi bị ốm, ngay buổi trưa hôm ấy cô cùng với lớp đến thăm. Cô ngồi cạnh bên tôi, sờ trán và hỏi: “Có mệt lắm không em? Có muốn uống sữa, ăn cam không để cô giúp”. Với sự ân cần, trìu mến của cô, lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc khó tả, nước mắt tôi trào ra, giọng nói nghẹn lại nơi cổ họng: “Em cảm ơn cô”. Như hiểu được tâm trạng của tôi, cô nhìn tôi và cười: “Đừng có khóc, mau chóng hết bệnh đi học lại, bạn bè đang nhớ em đó!”. Bởi vì thời gian đã trễ nên cô chỉ thăm tôi trong vòng một giờ đồng hồ, còn phải tranh thủ về đi chợ nấu ăn cho gia đình. Trước khi về, cô còn dặn dò: “Em cứ yên tâm dưỡng bệnh, bài vở của em cô đã nhờ các bạn trong lớp chép giùm rồi, cố gắng uống thuốc cho mau hết bệnh nhé!”. Nói thế, cô và các bạn ra về, để lại trong lòng tôi bao xúc động, bao niềm vui khôn xiết. Tôi đã tự hứa với lòng mình: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi, thật chăm để không phụ tấm chân tình của cô và bạn bè”. Sự quan tâm, động viên của cô đã tiếp thêm cho tôi sức lực, để tôi nhanh chóng mau khỏi bệnh, thực hiện lời hứa của mình.

Đó là kỷ niệm chân thật, đẹp đẽ, khó quên về cô giáo chủ nhiệm, người đã vun đắp cho tôi ước mơ, người đã đưa tôi đến bến bờ tương lai tươi sáng. Nhân ngày 20 – 11, xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với cô, “Người đưa đò thầm lặng”, “người mẹ”, người cô đáng kính của tôi. Tôi sẽ tiếp bước cô, sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình vì “sự nghiệp trồng người”, vì tương lai tươi sáng, phồn vinh của quê hương đất nước. Xin mượn lời đoạn kết bài hát “Thầy ơi!” do chính tôi viết để bày tỏ sự biết ơn, sự kính trọng đối với thầy cô giáo:

…“Thầy là tình thương, là con đường em bước, là cội nguồn quê hương. Đưa em vào đời, đưa em khúc hát nên người thầy ơi!”