GIẢI BÁO CHÍ BÁO NINH THUẬN - 2013 " NGƯỜI THẦY TRONG TÔI"

Nhớ mãi nhân cách một người thầy

(NTO) Hằng năm, cứ đến ngày 20-11 là chúng tôi tập trung bạn bè để có dịp đi thăm thầy, cô giáo cũ và cũng là dịp chúng tôi ôn lại những kỷ niệm thời học trò. Tôi nhớ đến các bạn, nhớ đến người thầy giáo chủ nhiệm ở một khoá thực tập vào năm lớp sáu thuở nào. Và mỗi lần như thế, trong tôi lại có những ký ức về thầy như là một bài học để trở thành người giáo viên có trách nhiệm, biết yêu thương và luôn quan tâm đến học sinh dù ở hoàn cảnh nào.

Mùa Xuân năm ấy, sau tết thì trường chúng tôi đón một đoàn giáo viên từ Trường Cao đẳng Sư phạm Tháp Chàm về thực tập. Buổi sáng hôm ấy, khác với những buổi sáng thứ hai đầu tuần, vì trường có thêm nhiều thầy cô giáo trẻ, đẹp và rất vui tính, nên sân trường nhộn nhịp hơn. Chúng tôi đón nhận thầy, cô thực tập với vẻ thích thú, đến khi thầy Hiệu trưởng giới thiệu và phân công giáo viên thực tập đến từng lớp. Lớp tôi được phân công thầy Nguyễn Văn Sáng là chủ nhiệm chính và cô Nguyễn Thị Bích Mai giáo viên hỗ trợ cho lớp. Cả lớp tôi cứ trố mắt tìm thầy giáo chủ nhiệm mới của mình. Sau giờ chào cờ, thầy vào lớp làm quen 15 phút.

Rồi sau đó, mỗi buổi sáng đến lớp chúng tôi gặp thầy Sáng đến trường rất sớm và vào lớp hỏi thăm từng bạn, tìm hiểu về việc học và hoàn cảnh của học sinh lớp mình chủ nhiệm. Thầy dạy môn Toán nên thầy đã hướng dẫn chúng tôi cách giải toán, mẹo làm toán nhanh, thầy còn kèm cho một số bạn học sinh yếu. Thầy rất nhiệt tình, vui vẻ, khéo léo và còn hát rất hay. Chính vì thế mà cả lớp chúng tôi thích thầy, hôm nào không có giờ thầy là chúng tôi thấy buồn vì không được thi đua học toán, không được nghe những mẩu chuyện vui, những bài hát trong giờ ra chơi. Mặc dù, thời gian thực tập trong vòng gần một tháng mà các bạn lớp tôi học có tiến bộ hơn nhiều.

Một kỷ niệm tôi không thể quên về một người thầy, mà chỉ là thầy giáo thực tập. Đó là lúc thầy vào thực tập lớp tôi đến lúc sắp hết kỳ thực tập chỉ còn một tuần thì tôi bị bệnh cảm thương hàn rất nặng. Đến lớp hàng ngày nên thầy biết tôi vắng hai ngày liên tiếp và biết tôi bị bệnh. Thầy cùng lớp trưởng đến tận nhà thăm tôi, tôi còn rất mệt nên thầy hỏi gì tôi cũng dạ mà không biết thầy hỏi gì. Thế là thầy biết bệnh tôi sẽ phải nghỉ nhiều nhiều ngày, cho nên thầy đã vận động các bạn đến nhà lấy vở rồi chép bài cho tôi, khi rảnh thầy đến nhà cùng lớp trưởng để giảng lại những bài toán khó để tôi theo kịp bài cùng các bạn. Đến ngày chia tay thầy mà tôi không đến lớp được nhưng thầy vẫn ghé đến thăm tôi. Thầy nói: “Em hãy cố gắng ăn thật nhiều để đến lớp cùng các bạn, chứ không thì ngày nào cũng lên cơn thì bao giờ mới hết bệnh”, tôi nhìn thấy lớp trưởng cười ồ lên. Mãi sau này tôi hỏi lớp trưởng thì lớp trưởng kể rằng hôm thầy đến thăm thầy hỏi : Mỗi ngày em sốt mấy lần” thì mày trả lời lên cơn giật 9-10 lần, tui với thầy cùng cười mà không biết bạn trả lời câu hỏi gì? Thầy nói chắc là bạn sốt nhiều nên nửa tỉnh nửa mê. Vì thế cho nên ngày nào thầy cũng nhắc nhở các bạn đến thăm hỏi tôi, làm tôi thật cảm động bởi sự quan tâm của thầy đối với học trò mặc dù thầy chỉ là một giáo viên thực tập.

Và đến khi tôi đi học lại, là lúc thầy cũng đã hết kỳ thực tập. Một hôm, cả lớp chúng tôi tổ chức đến thăm thầy. Trong buổi gặp mặt ấy cả lớp chúng tôi đùa giỡn vui vẻ nơi nhà trọ của thầy. Lúc ra về thầy nói với cả lớp tôi rằng: “Các em phải cố gắng chăm học, biết nghe lời cô chủ nhiệm. Sau này nếu các em làm cô giáo thì mới biết sự quan tâm, lo lắng của thầy cô lo cho mình”. Cả lớp tôi nói: Tụi em sẽ không làm cô giáo đâu, vì nghề này la hét suốt ngày mà còn bị học sinh ghét nữa chứ. Thầy mỉm cười: “Ghét nghề nào trời trao cho nghề ấy”… Rồi chúng tôi cũng lo bù đầu với việc học. Mãi đến năm chúng tôi học xong cấp ba, chúng tôi đi thăm lại thầy nhưng không gặp thầy Sáng, bạn thầy cho tin thầy đã mất. Cả lớp tôi như chùng xuống không ai nói đến ai, im lặng nghe kể về thầy. Sau khi ra trường thầy Sáng xung phong về vùng đảo để dạy và thầy mất là do thầy đã cứu học trò mình khi trời mưa bão lớn, nhà thầy cũng đã chuyển về quê ở Bình Định. Đển hôm nay, điều không ngờ là lớp tôi đã trưởng thành và vào nghề giáo rất nhiều. Giờ đây tuy thầy không còn nữa, nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về thầy, nhớ về một con người, những lời dặn, những việc làm của thầy như ký ức đẹp mặc dù thời gian thầy đến với chúng tôi rất ngắn ngủi. Mỗi lần đến ngày 20-11 là chúng tôi càng nhớ đến thầy. Tôi lại càng thấy thâm thía câu nói của Usinxki: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.”