Các trường THPT khó khăn trong duy trì sĩ số học sinh

(NTO) Năm học 2012-2013, tỉnh ta có 736 học sinh THPT bỏ học, chiếm tỷ lệ 3,9%, trong đó có 341 học sinh bỏ học trong dịp hè. Năm học 2013-2014, công tác duy trì sĩ số học sinh cũng đang là khó khăn của một số trường THPT.

Theo kế hoạch, Trường THPT Phạm Văn Đồng (Ninh Phước) đăng ký phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Công tác duy trì sĩ số là một trong những khó khăn mà trường đang gặp phải. Thầy giáo Nguyễn Văn Biên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng năm tỷ lệ học sinh bỏ học của trường rất cao, năm học 2012-2013 là 10%. Từ đầu năm học 2013-2014 đến nay, trường đã có 30 học sinh bỏ học, chủ yếu đều rơi vào học sinh lớp 10 và nguyên nhân chính là do học sinh học yếu dẫn đến chán nản nên bỏ học.

Cô và trò Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Ninh Hải thi đua dạy tốt, học tốt.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm học gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học cấp THPT của tỉnh ta vẫn cao hơn một số tỉnh trong khu vực và cả nước. Những trường THPT có tỷ lệ học sinh bỏ học cao như: Bác Ái (huyện Bác Ái), Phạm Văn Đồng, Nguyễn Huệ (Ninh Phước), Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam)…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường đến trường xa, thiếu sự quan tâm của gia đình… nhưng theo kết quả thống kê của các trường thì nguyên nhân học sinh bỏ học phần lớn vẫn là do học yếu. Đáng nói hơn, học sinh bỏ học chủ yếu là khối lớp 10, vì học lực kém, các em lại không theo kịp với chương trình và phương pháp học ở cấp THPT. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm học các trường THPT đã đẩy mạnh công tác phụ đạo, quan tâm hỗ trợ, giúp học sinh khối 10 làm quen với phương pháp học mới… Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là chính những học sinh có học lực yếu, kém cần phải phụ đạo nhất thì các em lại thường xuyên vắng mặt, từ chối không tham gia.

Ban giám hiệu các trường THPT cho biết, tỷ lệ học sinh bỏ học thường tăng nhanh vào dịp kết thúc học kỳ I. Phần lớn các em bỏ học khi biết kết quả học lực yếu cộng với thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài nên theo bạn bè đi làm ăn xa. So với các cấp học khác, học sinh THPT đang ở độ tuổi lao động nên rất khó để vận động các em trở lại trường. Thầy giáo Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam) cho biết: Học sinh bỏ học của trường chủ yếu là ở xã Cà Ná và Phước Diêm. Do nhận thức về việc học của cả học sinh và gia đình đều còn hạn chế nên công tác vận động rất khó khăn, dù giáo viên phải đến tận nhà rất nhiều lần nhưng nhiều trường hợp vẫn phải “chịu thua” với những lý lẽ về cái lợi trước mắt mà gia đình đưa ra. Cùng với việc nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả… các trường THPT cũng đang chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, giúp học sinh xác định động cơ học tập và có ý chí phấn đấu.

Thầy giáo Hoàng Văn Tý, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng cho biết: Để công tác giáo dục hiệu quả hơn, mỗi tháng nhà trường đều mời Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh đến nói chuyện với học sinh toàn trường trong giờ chào cờ đầu tuần với hy vọng ở vị trí của người làm cha, mẹ, lời nói của vị Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh sẽ có tác động mạnh mẽ, sâu sắc hơn đến nhận thức của học sinh. Các trường THPT cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc xây dựng các mô hình câu lạc bộ học tập, tổ chức giao lưu tư vấn phương pháp học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Nhưng giải pháp quan trọng nhất, đòi hỏi phải có sự đồng bộ của tất cả các cấp học vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá “dạy thật- học thật”. Có như vậy thì chất lượng đầu vào của các trường THPT mới đảm bảo đúng thực chất, học sinh không trông chờ, ỉ lại vào điểm số và bệnh thành tích để xác định đúng mục đích, động cơ học tập.