Đình Hoài Nhơn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh

Ngày 6/1/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đối với đình Hoài Nhơn, thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu (Ninh Phước).

Theo lời truyền của các bậc cao niên trong làng, vào năm Canh Ngọ (1810), dưới triều vua Gia Long, một nhóm cư dân từ Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên đã di cư đến vùng đất nay thuộc thôn Hoài Nhơn để khai hoang, dựng nghiệp. Ban đầu, họ tập trung thờ phụng tại đình Đắc Nhơn, nhưng do vị trí của đình nằm cách xa khu dân cư, gây bất tiện cho việc cúng tế, nên đến năm 1890, khi thôn Cà Na (tên gọi chung của 2 thôn: Chất Thường và Hoài Nhơn) được thành lập, các bậc tiền nhân đã quyết định chuyển đình về đầu làng, nơi gần gũi và thuận tiện hơn. Trong thời kỳ chiến tranh, đình Hoài Nhơn bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1868, đình được tái thiết với kiến trúc truyền thống và giữ nguyên tên gọi đình Hoài Nhơn cho đến ngày nay. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình không chỉ là nơi thờ phụng mà còn đóng vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng. Đây từng là điểm hội họp, nơi che giấu và bảo vệ cán bộ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đình Hoài Nhơn.

Đình Hoài Nhơn được xây dựng trên khu đất rộng 1.592m², với tổng thể kiến trúc hài hòa, gồm các hạng mục: Cổng Tam quan, cột cờ và án phong, sân đình, chánh điện, nhà Tiền hiền và các công trình phụ... Hằng năm, đình Hoài Nhơn là nơi diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc, với trọng tâm là Lễ tế Xuân, nghi thức chính của đình. Lễ tế Xuân được tổ chức vào ngày 16-17 tháng Hai âm lịch, nhằm tỏ lòng tri ân công đức của thần và các bậc tiền hiền. Bên cạnh lễ tế Xuân, đình Hoài Nhơn còn là nơi tổ chức nhiều nghi thức cúng tế quan trọng khác trong năm như: Lễ cúng Ông Cả; Lễ cúng tết Nguyên đán...

Việc xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoài Nhơn nhằm xác lập cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao UBND huyện Ninh Phước trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị của di tích đã được xếp hạng theo quy định; đồng thời, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích vào mục đích khác phải được phép của Chủ tịch UBND tỉnh.