Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023, Bộ Công Thương duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội. Vì lý do này, nhiều dự án NLTT đang gặp nhiều khó khăn chờ được “giải cứu”. Nhằm tháo gỡ khó khăn, tránh lãng phí nguồn lực, Chính phủ đã thống nhất cho phép bổ sung vào quy hoạch các dự án điện NLTT từng bị thanh tra, với điều kiện là không vi phạm quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng sẽ được cho phép hoàn thiện theo quy định. Đối với các dự án vi phạm quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng sẽ phải đánh giá lại hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và dự án để điều chỉnh trên tinh thần cho tích hợp, thực hiện đồng thời dự án NLTT và quy hoạch liên quan. Với các dự án hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) vi phạm do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi sẽ phải xác định lại giá mua bán điện, thu hồi tiền giá FIT qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Nhà máy điện gió, điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc).
Theo Kết luận Thanh tra số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tại tỉnh Ninh Thuận có 14 dự án điện mặt trời hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng; 35 dự án điện mặt trời công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư; 4 dự án điện mặt trời chồng lấn quy hoạch thủy lợi và 2 dự án sai về trình tự, thủ tục hồ sơ đất đai.
Tại cuộc họp với UBND tỉnh vừa qua, chủ đầu tư một số dự án NLTT chia sẻ, doanh nghiệp gặp khó khăn khi hàng chục tỷ đồng tiền bán điện chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán do vướng vấn đề pháp lý. Cùng với đó, phần lớn các dự án đều nhận vốn từ các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng tài trợ vốn, bên cạnh chủ đầu tư thì các tổ chức tài chính này cũng “đau đầu” với phương án giá điện mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án điện sạch hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh đã được ký hợp đồng bán điện trong 20 năm cho EVN nhưng do không đúng quy định nên số tiền điện đang bị “treo” chưa thanh toán hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó, mong muốn tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết số 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ, UBND tỉnh đã đề xuất giải pháp tháo gỡ, kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN rà soát theo quy định pháp luật về điện lực có phương án hợp tình, hợp lý, phù hợp với thời điểm bắt đầu đầu tư dự án nhằm tạo sự đồng thuận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng nhà đầu tư và nguy cơ doanh nghiệp phá sản; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Mặt khác, qua rà soát đến thời điểm hiện nay, trên địa tỉnh có 35 nhà máy điện mặt trời và 11 nhà máy điện gió đang vận hành thương mại (COD) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của các chủ đầu tư theo quy định pháp luật, do đó nội dung này đã được các chủ đầu tư khắc phục 100%. Về nội dung chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới, tỉnh đề xuất phương án thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch, tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện NLTT và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch). Đối với 2 dự án sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật và đến nay các dự án này đã được khắc phục.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh luôn đồng hành, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi khả năng, quyền hạn của tỉnh. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, tỉnh đã tổng hợp kiến nghị trung ương, các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương khẩn trương cập nhật, tiếp thu những ý kiến của doanh nghiệp; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư các dự án thực hiện củng cố và cung cấp đầy các hồ sơ pháp lý liên quan để UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện NLTT để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các nguồn lực từ bên ngoài; trên cơ sở lựa chọn phương án xử lý tối ưu có phân tích, đánh giá, so sánh, đảm bảo hài hòa lợi ích theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết số 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ.
Anh Tuấn