Quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu
Chúng tôi đến xã Phước Hà (Thuận Nam) vào một ngày áp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Là một xã miền núi thuộc diện khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, cùng các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, diện mạo của Phước Hà đã có nhiều đổi mới, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể, đặc biệt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được bảo đảm; ý thức phòng bệnh của cán bộ, người dân nơi đây có nhiều tiến bộ. Anh Đạt Tận, Trưởng Trạm Y tế xã phấn khởi cho biết: Trạm y tế xã vừa được đầu tư xây mới, trang bị đầy đủ trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhân viên y tế hiện có 5 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 nhân viên dược và 1 hộ sinh; ngoài ra còn có 3 cô đỡ thôn bản và 2 y tế thôn luôn theo dõi sâu sát tình hình ở cơ sở. Anh chị em bác sĩ, nhân viên rất nhiệt tình trách nhiệm tận tâm với công việc. Không chỉ thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh tại trạm mà sâu sát, gần gũi bà con tuyên truyền về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình... Xã Phước Hà có 5 thôn với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm trên 98%. Bà con ngày càng có ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi khi bị bệnh là đến trạm thăm khám lấy thuốc uống, sinh con cũng đến trạm, nhất là ý thức hơn về ăn sạch, uống sạch, ở sạch để phòng bệnh...
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận ứng dụng công nghệ trong phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Uyên Thu
Xác định y tế dự phòng là “gốc rễ” chăm lo sức khỏe nhân dân, thời gian qua, Sở Y tế chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng để phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng được triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả rõ nét. Năm 2024, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt 94,3%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ liều uốn ván đạt 93,9%. Đặc biệt năm 2024, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, ngành y tế đã tập trung các giải pháp theo dõi tình hình dịch tễ, triển khai công tác tiêm vắc xin, tuyên truyền phòng bệnh tại các địa phương và cơ sở y tế, nhất là các địa phương ghi nhận ca bệnh nên hạn chế tối đa ca mắc bệnh.
Được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, ngành y tế còn tranh thủ, quản lý tốt các nguồn lực nâng cấp hệ thống y tế dự phòng, đầu tư, hỗ trợ nhiều trang thiết bị, kỹ thuật mới về huyết thanh, miễn dịch; bảo đảm vật tư y tế... phục vụ đắc lực cho công tác dự phòng của các địa phương. Ngoài ra, tại các thôn khó khăn còn có mạng lưới cô đỡ thôn bản, y tế thôn hoạt động tích cực góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm được duy trì chặt chẽ tại tất cả các tuyến, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong cộng đồng
Cùng với tăng cường y tế dự phòng, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp năng lực cho tuyến y tế cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 7 đơn vị tuyến huyện, 59 trạm y tế xã. Các trung tâm y tế huyện được trang bị các thiết bị như: Máy xét nghiệm, máy siêu âm màu, X-quang kỹ thuật số, máy thở oxy... Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước có đủ thiết bị để thực hiện các ca phẫu thuật theo phân tuyến chuyên môn như máy gây mê, hệ thống mổ nội soi, các dụng cụ phẫu thuật tổng quát... Chất lượng nhân lực cho y tế cơ sở được nâng cao thông qua các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút, tăng cường bác sĩ cho các trạm y tế và trung tâm, bệnh viện y tế huyện...
Được sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến tỉnh, năm 2024, Trung tâm Y tế các huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam tổ chức cho 43 cán bộ y tế đi học tập, thực hành các kỹ thuật nâng cao chuyên môn, tay nghề như: Đỡ đẻ, xử trí các tai biến sản khoa; nắn bó bột các trường hợp gãy xương; đặt nội khí quản, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, dẫn lưu màng phổi, sốc điện; hồi sức cấp cứu và chăm sóc sơ sinh thiết yếu... góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương.
Năm 2024, ngành y tế đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đuợc tỉnh giao: Duy trì mức sinh thay thế 2,16 con/phụ nữ; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12%; tỷ lệ bác sĩ đạt 10,8 bác sĩ/vạn dân; 96,6% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 98,4% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Nâng cao năng lực cho y tế tuyến đầu
Với mục tiêu nâng cao năng lực khám và điều trị cho y tế tuyến đầu, ngành y tế tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở y tế tuyến tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao. Đi đầu trong công tác này là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Chỉ riêng năm 2024, thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 và Đề án khám, chữa bệnh từ xa, bệnh viện đã hợp tác với các bệnh viện tuyến trên đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật cao, chuyên sâu, nổi bật có các kỹ thuật: Lọc và tách huyết tương chọn lọc, chụp và đặt stent động mạch vành, nội soi niệu quản ngược dòng bằng ống soi mềm tán sỏi thận bằng laser; chụp động mạch chi; chụp và nong động mạch chi; điều trị Basedow bằng Iot...
Trạm Y tế phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được đầu tư cơ sở vật chát, trang thiết bị y tế để khám điều trị bệnh cho người dân.
Anh B.T.V, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Vừa qua tôi bị tai nạn giao thông cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng đau tức vùng hạ sườn trái, hông trái; máu tràn ổ bụng, vỡ lá lách. Nhờ ekip bác sĩ tiến hành phẫu thuật, điều trị, tôi đã qua cơn nguy kịch, nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Qua quá trình nhập viện cấp cứu, điều trị, tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, tận tâm của bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện.
Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, các bệnh viện tuyến tỉnh khác cũng tích cực tiếp nhận nhiều kỹ thuật nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đơn cử tại Bệnh viện Da liễu - Tâm thần đã triển khai nhiều danh mục kỹ thuật mới như: Điều trị u mạch máu, chứng tăng sắc tố, giãn mạch máu, sẹo lồi bằng ứng dụng công nghệ ánh sáng xung cường độ cao; điều trị sẹo lõm bằng laser bước sóng dài... Bác sĩ Lê Văn Đổng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu - Tâm thần cho biết: Hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, bệnh viện tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám điều trị của người dân, đồng thời tạo nguồn lực để đầu tư nâng cấp, nâng cao năng lực cho bệnh viện. Năm 2024, số người đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng 16,6% so cùng kỳ.
Không chỉ nâng cao chất lượng khám và điều trị, các cơ sở y tế tuyến đầu còn đi đầu trong việc số hóa trong công tác quản lý, điều trị, nâng cao tinh thần, thái độ trách nhiệm phục vụ nhân dân, chất lượng dịch vụ, ngày càng tạo niềm tin, hài lòng cho bệnh nhân. Năm 2024, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đạt từ 80-100%.
Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Năm 2025 là năm cuối thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, ngành y tế tăng tốc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao với quyết tâm chính trị cao nhất. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2025 là tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới. Chú trọng rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức; tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm kiện toàn mạng lưới, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế góp phần hoàn thiện, phát triển dịch vụ y tế thông minh phổ cập đến cấp cơ sở, đảm bảo điều kiện tham gia vào mạng lưới y tế thông minh toàn quốc, phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Uyên Thu