Tăng cường quản lý hoạt động nuôi thủy sản

Năm 2024, công tác quản lý nhà nước về hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ; qua đó, góp phần hạn chế tình trạng nuôi tự phát, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái biển và tránh thiệt hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân, doanh nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 127 bè nổi/2.400 lồng nổi và 1.000 lồng chìm nuôi tôm hùm và khoảng 800 nuôi cá biển lồng bè và hơn 1.000 bè nuôi hàu, tập trung tại các khu vực: Bình Tiên, Mỹ Tân, Cà Ná, An Hải và vùng C1, C2, Đầm Nại... Phần lớn các mô hình nuôi biển đều đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hộ nuôi. Xác định công tác quản lý là nhiệm vụ quan trọng đưa nghề nuôi thủy sản phát triển ổn định, lâu dài, Chi cục Thủy sản tỉnh chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030. Tăng cường tập huấn vùng nuôi, hướng dẫn di dời lồng bè theo quy định; triển khai kế hoạch mùa vụ, lịch sản xuất ở từng khu vực; khuyến cáo hộ nuôi lựa chọn giống đầu vào chất lượng, thả nuôi với mật độ phù hợp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương ven biển giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, mặt nước nuôi thủy sản đã được quy hoạch.

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất giống Thủy sản Tuấn Hà kiểm tra chất lượng tôm giống.

Cùng với quản lý vùng nuôi, công tác quản lý giống thủy sản tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Với khoảng 464 cơ sở sản xuất tôm giống, 40 cơ sở sản xuất các đối tượng hải sản như ốc hương, hàu, cá biển, thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, Chi cục Thủy sản tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng giống thủy sản theo Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, 100% lô tôm bố mẹ nhập khẩu đều được giám sát sinh sản và chuyển đổi mục đích sử dụng đúng thời gian quy định. Kiểm tra và cấp 11 giấy chứng nhận cơ sở đủ kiều kiện sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản; phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các đợt kiểm tra việc cung ứng giống từ các nơi khác về địa bàn tỉnh; đánh giá chất lượng giống, thu mẫu xét nghiệm đối chứng để kịp thời loại bỏ những con giống nhiễm bệnh, giúp các cơ sở, hộ nuôi có nguồn con giống sạch bệnh, đảm bảo việc thả nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Song song đó, hoạt động quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2024, tiến hành 10 đợt quan trắc môi trường/220 mẫu nước, kết quả cho thấy các chỉ số môi trường nước cấp tại các xã: Tri Hải, Nhơn Hải và Thanh Hải (Ninh Hải) đều nằm trong giới hạn cho phép và các chỉ số pH, độ kiềm, độ mặn đều phù hợp cho hoạt động nuôi tôm thương phẩm và nuôi thủy sản lồng bè. Chi cục Thủy sản đã kịp thời thông báo cho các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nắm bắt; đồng thời, đưa ra các khuyến cáo để triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp, giúp giống nuôi phát triển khỏe mạnh. Theo ông Phạm Đức Hanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Tuấn Hà, tôm giống sạch bệnh, khỏe và chất lượng trong quá trình nuôi thương phẩm là hết sức quan trọng. Mặc dù mỗi cơ sở đều có quy trình xử lý nước, khả năng kiểm soát dịch bệnh riêng; tuy nhiên, với hoạt động quan trắc cảnh báo môi trường được ngành chức năng triển khai thực hiện tốt trong thời gian qua tạo sự yên tâm cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp quản lý, trong năm 2024 hoạt động nuôi thủy sản phát triển ổn định, với sản lượng đạt trên 12.828 tấn; sản xuất giống thủy sản ước đạt 45.184 triệu con, tăng 12,2% so năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm như ốc hương, tôm hùm, cá biển tăng cao, có giá bán ổn định nên hầu hết người nuôi đều có lãi.

Đồng chí Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Trong năm 2025, ngành tập trung tham mưu Sở NN&PTNT ban hành kế hoạch mùa vụ phù hợp; phân công cán bộ giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhất là tình hình sản xuất, kinh doanh giống, diện tích, quy mô lồng bè. Tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản, thông báo và giám sát tiêu hủy tôm bố mẹ đã hết thời gian sử dụng. Cùng với đó, hướng dẫn một số hộ nuôi có áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ mới vào nuôi tôm thương phẩm, ghi chép nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai quan trắc môi trường theo định kỳ 1 lần/tháng hoặc đột xuất tại các vùng nuôi và các khu vực nước thải, từ đó có biện pháp phòng ngừa, xử lý dịch bệnh hiệu quả.