Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, là thời điểm tiêu thụ lượng thực phẩm lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, dịp này thời tiết khu vực phía bắc ẩm ướt, phía nam nắng nóng, là những yếu tố ảnh hưởng việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, các đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm từ Trung ương đến các địa phương đang tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.

Các cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại thành phố Hà Nội.

Mới đây, Ðoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền ở quận Ba Ðình đã phát hiện tại thời điểm kiểm tra, có hàng loạt vi phạm về an toàn thực phẩm như: Khu vực sản xuất không bảo đảm vệ sinh; dụng cụ sơ chế, chế biến dùng trong sản xuất cáu bẩn do không có chế độ vệ sinh định kỳ; thời điểm kiểm tra cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở; cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… Từ những vi phạm nêu trên, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục ngay các sai phạm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập bốn đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm do lãnh đạo các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Cục Quản lý thị trường làm trưởng đoàn. Qua kiểm tra thực tế, các đoàn công tác đề nghị chính quyền các địa phương tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… Ðồng thời, kiểm tra điều kiện vệ sinh của cơ sở, người sản xuất, chế biến có tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm hay không; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu đưa vào chế biến.

Tiến sĩ Trần Việt Nga, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã thành lập năm đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai. Thời gian triển khai từ ngày 20/12/2024 đến ngày 25/3/2025. Các đoàn sẽ kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm.

Cục An toàn thực phẩm cũng có văn bản gửi Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) chỉ đạo các cơ quan chức năng tại các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền về nguy cơ sử dụng rượu không an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, quản lý nguồn gốc nguyên liệu sản xuất rượu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tính đến ngày 31/12/2024, Cục An toàn thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 21 cơ sở với 42 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 12,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết cần tự giác chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; không vì lợi nhuận nhất thời mà đánh đổi thương hiệu, uy tín của đơn vị mình để đưa ra thị trường những sản phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Với người tiêu dùng, hãy luôn là "Người tiêu dùng thông thái" bằng việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. 

Theo nhandan.vn