Hội thảo “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới”

Sáng 7/1, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển năng động, nhanh, bền vững trong thời kỳ mới”.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ Viện Nam tỉnh; các sở, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về văn hóa trên toàn quốc.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.Bình

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, sau 32 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, kém phát triển, Ninh Thuận vươn lên mạnh mẽ trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước; trong đó, tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư ở nhóm đầu cả nước; vị thế, uy tín của tỉnh ngày càng được nâng lên. Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh ở cơ sở, xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giữ gìn nền nếp gia phong, giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa và con người Ninh Thuận phát triển toàn diện. Nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, quan tâm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa”, đồng chí mong muốn thông qua hội thảo này, được lắng nghe, tiếp thu ý kiến quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa và quý vị đại biểu, khách quý, qua đó, phân tích, nghiên cứu làm sáng tỏ vai trò, giá trị của vùng đất và con người Ninh Thuận trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển; đồng thời, đưa ra những định hướng, giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: P.Bình

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết, tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định và bổ sung những nhận thức lý luận về văn hóa, văn học, nghệ thuật; vai trò của văn hóa, con người Ninh Thuận đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh; gợi ý một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý và xây dựng cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá; giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm; giải pháp bố trí vốn thực hiện công tác phát huy vai trò, hiệu quả của nguồn lực văn hoá trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh đến năm 2030.

PGS. TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: P.Bình

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đánh giá cao những ý kiến đóng góp các đại biểu, dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau các tham luận đã tập trung nêu bật chủ đề hội thảo, phân tích đánh giá bổ sung làm rõ hơn những kết quả và hạn chế, nguyên nhân; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp rất thiết thực, sát thực tiễn ở địa phương.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: P.Bình

Đồng chí đề nghị Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu những ý kiến thảo luận để bổ sung, nghiên cứu, đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để tỉnh xem xét, vận dụng, đề ra chủ trương, quyết sách trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế. Đồng chí tin tưởng rằng với khí thế mới, động lực mới, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, nhân cách và lối sống đẹp, hướng đến “chân - thiện - mỹ”; có tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khát vọng vươn lên vì sự phát triển của quê hương; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế; làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quê hương.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu và nhà khoa học tham gia hội thảo. Ảnh: P.Bình

--------------------------------------------------

Ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

Ninh Thuận cần làm tốt công tác bảo tồn các di sản sản văn hóa song song với việc phát huy các di sản văn hóa gắn với khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo sự bứt phá trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một kênh gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, đồng thời định vị năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngay tại chính thị trường trong nước. Trong đó, tăng cường chuyển đổi số là giải pháp tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu; chuyển đổi số không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

PGS.TS. Trương Văn Món, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh:

Để giải bài toán làm sao vừa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và vừa giải quyết được công ăn việc làm, tạo cho dân làng nghề có kế mưu sinh bằng chính cái nghề của họ, việc khẩn cấp là giữ nguyên hiện trạng (những yếu tố mang tính truyền thống của gốm Chăm), tiến hành nghiên cứu, sưu tập, thống kê tất cả các dữ liệu liên quan đến giá trị của nghệ thuật làm gốm Chăm để bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời, phải gắn việc bảo tồn với mô hình phát triển du lịch cộng đồng.

PGS.TS Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận:

Ninh Thuận là nơi có tỷ lệ người Chăm và Raglai sinh sống đông nhất, hai dân tộc này đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống vô giá. Để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) ở Ninh Thuận, tỉnh cần khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức bảo tồn các yếu tố chính yếu của lễ hội truyền thống trong việc khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch, trong đó tập trung bảo tồn lễ hội Katê và lễ hội Rija Nưgar (hai lễ hội trên đã được chọn lọc đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Bổ sung các chính sách hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.

Ông Đình Hy, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận:

Nhận thấy văn hóa Chăm tham gia hữu hiệu vào lĩnh vực du lịch, còn văn hóa Raglai chưa tham gia nhiều, nếu thác Chapơr được khai thác mạnh, chắc chắn không những ngành du lịch mà cả văn hóa, nghệ nhân Raglay sẽ phát triển bền vững như lễ hội, văn nghệ dân gian, ngành nghề thủ công, chế tác kèn bầu, đàn chapi... bền vững hơn. Thông qua hoạt động ở thác Chapơr và du lịch cộng đồng, thanh niên Raglay nhanh chóng hội nhập vào ngành du lịch, một ngành vốn dĩ đào tạo con người năng động, linh hoạt rất nhanh (trường hợp dân tộc Raglay ở Khu du lịch Yang Bay, miền núi huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là ví dụ).